LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG CÁC MỐI QUAN HỆ TÍCH CỰC?

Một trong những cách tốt nhất để cân bằng khi căng thẳng hoặc lo âu là kết nối và dành thời gian với những người quan trọng với chúng ta. Khi chúng ta dành thời gian cho những người gần gũi với chúng ta – bạn bè thân thiết nhất, vợ / chồng, thành viên gia đình hoặc thậm chí những nhân vật thân yêu của chúng ta (dù là người hay không) – chúng ta có cơ hội tạo ra những cảm giác quen thuộc của sự thoải mái và tích cực mà chúng ta có thể nhớ đến khi chúng ta phải xa những người mà chúng ta yêu thương.

Một trong những kỷ niệm xoa dịu yêu thích của bạn về người thân yêu là gì? Như tôi, tôi vẫn luôn nhớ cảm giác mẹ tôi chải tóc cho tôi trước khi đi ngủ khi tôi còn nhỏ, nằm trên bãi cỏ nhìn mây với con chó của mình khi tôi 12 tuổi, hoặc gần đây hơn là cái chạm của người bạn đời trên gương mặt tôi.

Những kết nối tích cực như những kết nối tôi đã kể rất quý giá. Chúng thường được tạo thành từ những cử chỉ, cảm giác hoặc lời nói nhỏ, quen thuộc trở thành mối liên hệ với các mô hình kết nối tích cực trong cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta về bản thân, người khác hoặc cuộc sống nói chung.

Đây là những loại ký ức có sức mạnh giúp chúng ta cảm thấy bình tĩnh hơn, an toàn hơn, hoặc ổn hơn đôi chút về cuộc sống. Chúng nắm giữ chìa khóa quan trọng giúp chúng ta có những kết nối tích cực mạnh mẽ hơn trong các mối quan hệ hiện tại.

Mặt trái của sự kết nối tích cực là việc cảm thấy đau khổ hoặc buồn bã dữ dội khi chúng ta không thể kết nối trong các mối quan hệ của mình. Việc thiếu cơ hội kết nối hoặc lo lắng rằng người kia không quan tâm đến chúng ta theo cách tương tự có thể gây ra sự tức giận và hoảng sợ, hoặc cảm giác bị bỏ rơi và đau khổ. 

Những kiểu kết nối tiêu cực hơn này thường nắm bắt sự chú ý dễ dàng hơn những cái tích cực. Hầu hết chúng ta dành nhiều năng lượng để lo lắng hoặc đấu tranh trong các mối quan hệ của mình, cố gắng tranh luận theo ý mình để kết nối nhiều hơn. Điều này hiếm khi diễn ra tốt đẹp. 

Mặc dù như vậy cũng đôi lúc có kết quả, nhưng một trong những liều thuốc mạnh mẽ nhất cho cảm giác mất kết nối là chủ động và thường xuyên chuyển sự chú ý của chúng ta sang những cách đơn giản, lặp đi lặp lại mà chúng ta có thể nuôi dưỡng kết nối tích cực. Trên thực tế, những cách đơn giản thường tốt hơn, và chìa khóa chính là ở khả năng nhận thức và sự lặp lại thường xuyên. 

Các bước để tăng cường kết nối tích cực

1/ Xác định những khoảnh khắc hàng ngày góp phần tạo nên cảm giác bình tĩnh, kết nối và tích cực.

Những khoảnh khắc này có thể đến từ các mối quan hệ trong quá khứ, thời thơ ấu hoặc trải nghiệm hiện tại. Hãy nghĩ đến những điều nhỏ nhặt – một cuộc trò chuyện thú vị có khiến bạn cảm thấy được kết nối không? Hay là dành thời gian yên tĩnh với người thân trong khi đi dạo, xem phim hoặc chợp mắt? Có lẽ đó là làm thức ăn cùng nhau, giải quyết những căng thẳng trong ngày của bạn hoặc gửi những câu chuyện cười ngốc nghếch cho nhau? 

Điều quan trọng là để ý tới những cử chỉ hoặc trải nghiệm nhỏ được lặp đi lặp lại và có giá trị đối với bạn. Chính những mô hình kết nối tích cực lặp đi lặp lại này khẳng định cảm nhận về bản thân, cảm giác tin tưởng và an toàn của chúng ta trong mối quan hệ.

Khi bạn nhận thấy những điều nhỏ nhặt mà bạn trân trọng, hãy chắc chắn rằng bạn đã nói với người kia. Hãy ghi lại những khoảnh khắc này và tạo cơ hội để có chúng nhiêu hơn.

2/ Cân nhắc đối phương trong mối quan hệ. Điều gì quan trọng đối với họ?

Khi nào họ có vẻ ổn định, bình tĩnh và thoải mái hơn với bản thân? Họ đang làm những loại hoạt động nào? Làm thế nào bạn có thể là một phần của nó? Hãy hỏi họ điều gì quan trọng và cố ý cởi mở và gắn bó trong thời gian này.

Nghiên cứu về điều tạo nên sự ổn định và hài lòng trong các mối quan hệ thân thiết cho thấy tầm quan trọng của việc phản hồi chủ động và cùng tham gia vào những khoảnh khắc nhỏ hàng ngày. Tham gia vào những khoảnh khắc này dự đoán sự ổn định và hài lòng cao hơn trong các mối quan hệ. Trên thực tế, thường xuyên tham gia vào những kết nối tích cực này có sức nặng hơn nhiều so với những cử chỉ lớn lao như một món quà lớn hoặc lễ kỷ niệm (mặc dù những điều này cũng quan trọng). Điều này đúng cho bất kỳ mối quan hệ nào, cho dù đó là với vợ / chồng bạn, con bạn, một người bạn tốt hay một người hàng xóm.

3/ Ưu tiên đưa những khoảnh khắc kết nối tích cực vào những tương tác thường xuyên của bạn, ngay cả khi có căng thẳng trong mối quan hệ.

Tin tốt là bạn đã có mọi thứ cần thiết để hoàn thành các bước này. Thử thách ở đây là phải chủ động làm cho chúng xảy ra, đặc biệt nếu có những kiểu mất kết nối hoặc giận dữ trong mối quan hệ.

Sự chú ý của chúng ta trong các mối quan hệ thường bị cuốn vào những cơn giận dữ, thất vọng, hối tiếc hoặc ép buộc một điều gì đó thay đổi. Tất cả các mối quan hệ thân thiết của chúng ta sẽ được tăng cường sức mạnh và sự vững chắc nếu chúng ta có ý định và chú ý nhiều hơn đến việc biến những kết nối nhỏ bé, tích cực trở nên quan trọng. Hãy đảm bảo việc thực hiện những bước nhỏ này và thực hiện chúng thường xuyên – điều này sẽ củng cố mối quan hệ và làm cho mối quan hệ trở nên bền chặt, linh hoạt và nuôi dưỡng hơn với tất cả những người có liên quan.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/resilience-and-connection/202102/strengthening-relationships-through-positive-connections

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/