LÀM THẾ NÀO ĐỂ “CÃI NHAU” ĐÚNG CÁCH? BÍ KÍP GIAO TIẾP LÀNH MẠNH CHO CÁC CẶP ĐÔI

Xung đột, cãi vã trong một mối quan hệ là điều hầu như không thể tránh khỏi. Bản thân xung đột không phải vấn đề; vấn đề là cách nó được xử lý có thể tạo ra sự gắn kết hoặc chia rẽ một cặp đôi. Kỹ năng giao tiếp kém, những bất đồng và hiểu lầm vừa có thể là nguồn gốc của sự tức giận và xa cách – hoặc là bàn đạp cho một mối quan hệ bền chặt hơn và một tương lai hạnh phúc hơn.

Giao tiếp lành mạnh là gì?

Giao tiếp lành mạnh là sự trao đổi hiệu quả những suy nghĩ và cảm xúc giữa con người với nhau. Một cuộc giao tiếp lành mạnh thường sẽ là mọi người thay phiên nhau nói và lắng nghe. Lý tưởng nhất là mọi người đều hết lòng vì cuộc giao tiếp đó. Cả hai người đều nhận thức được cách họ hành động trong cuộc trò chuyện.

Ví dụ, nếu bạn là người nói, bạn có thể giao tiếp thêm bằng mắt hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện rằng bạn đang hiện diện và tập trung. Nếu bạn là người nghe, bạn sẵn sàng lắng nghe những gì người nói đang nói và không cắt lời họ hoặc chỉ chăm chăm vào việc mình sẽ đáp lời họ thế nào.

Tầm quan trọng của giao tiếp lành mạnh

Giao tiếp lành mạnh là điều rất quan trọng để duy trì các mối quan hệ lâu dài. Một nghiên cứu cho thấy giao tiếp hiệu quả làm tăng sự hài lòng trong mối quan hệ của các cặp đôi. Giao tiếp lành mạnh cũng có thể làm tăng sự thân mật trong các mối quan hệ.

Cách bạn và đối tác của bạn giao tiếp với nhau thường định hình cách các bạn giải quyết xung đột. Nếu bạn sử dụng các phương pháp giao tiếp lành mạnh, bạn có khả năng tìm thấy những điểm chung ngay giữa lúc bất đồng. Điều này có thể giúp củng cố mối quan hệ của bạn theo thời gian.

Tất nhiên, giao tiếp thế nào là lành mạnh nhất thì còn tùy tình huống. Nếu một người tỏ ra thờ ơ trước cách giao tiếp nhẹ nhàng khi có vấn đề nghiêm trọng xảy ra, có thể bạn cần phải thẳng thắn hơn. Mặt khác, với các vấn đề thường xuyên xảy ra trong mối quan hệ, cách giao tiếp tập trung vào tình yêu thương, bao dung và sự công nhận có thể hữu ích hơn. Điều quan trọng là cần biết cách tạo ra giao tiếp lành mạnh và điều chỉnh phong cách giao tiếp của bạn dựa trên yêu cầu của tình huống.

Mẹo giao tiếp hiệu quả khi có xung đột

Lần tới khi đụng độ xung đột, bạn hãy nhớ lại những lời khuyên về kỹ năng giao tiếp hiệu quả dưới đây để có thể tạo ra một kết quả tích cực hơn.

1. Tập trung vào vấn đề

Đôi khi người ta bị thúc giục khơi lại những mâu thuẫn “có vẻ” liên quan trong quá khứ trong khi giải quyết những mâu thuẫn hiện tại. Nhiều khi bạn cảm thấy cần kíp phải lôi hết những thứ đang làm phiền bạn ra để nói cùng một lúc trong khi bạn đang giải quyết một xung đột.

Thật tiếc là cách giao tiếp này thường làm lu mờ vấn đề, khiến ta càng khó thấu hiểu nhau và lạc lối trong việc tìm giải pháp cho vấn đề hiện tại. Nó có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng, thậm chí khó hiểu hơn. Bạn hãy cố gắng tránh nhắc đến những tổn thương trong quá khứ hoặc những chuyện ngoài lề. Hãy tập trung vào hiện tại, cảm xúc của hai bạn, thấu hiểu cho nhau và tìm ra giải pháp.

Việc thực hành thiền chánh niệm có thể giúp bạn học cách hiện diện nhiều hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả giao tiếp.

2. Lắng nghe một cách cẩn thận

Mọi người thường nghĩ họ đang lắng nghe, nhưng thực tế họ đang nghĩ xem mình sẽ nói gì tiếp theo sau khi người kia ngừng nói. Hãy cố gắng để ý xem bạn có làm như thế không vào cuộc tranh luận tiếp theo.

Giao tiếp thực sự hiệu quả cần bắt nguồn từ cả hai phía. Mặc dù có thể khó, nhưng hãy cố gắng thực sự lắng nghe những gì đối tác của bạn đang nói. Đừng ngắt lời. Đừng phòng thủ. Chỉ cần nghe họ và phản hồi lại những gì họ nói để họ biết bạn đã nghe. Thông qua bài tập này, bạn sẽ hiểu họ hơn và họ sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn hơn. 

3. Thử nhìn nhận từ góc độ của họ 

Trong một cuộc xung đột, hầu hết chúng ta thường muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Chúng ta nói rất nhiều về quan điểm của mình để người khác cũng nhìn mọi thứ theo cách của chúng ta. Điều này là dễ hiểu, nhưng quá tập trung vào mong muốn được thấu hiểu của bản thân hơn tất cả những thứ khác có thể gây phản tác dụng. Nếu ai cũng luôn luôn làm như vậy, chúng ta sẽ ít tập trung vào quan điểm của người khác và rồi không ai cảm thấy được thấu hiểu.

Hãy thử cố gắng nhìn nhận sự việc theo khía cạnh khác, sau đó bạn có thể giải thích rõ hơn về sự việc dưới góc độ của mình. Nếu bạn chưa “hiểu”, hãy đặt thêm câu hỏi cho đến khi bạn hiểu. Người khác sẽ sẵn sàng lắng nghe hơn nếu họ cảm thấy được lắng nghe.

4. Đáp lại lời chỉ trích bằng sự đồng cảm

Khi bị ai đó chỉ trích, bạn rất dễ cảm thấy họ làm sai với bạn và trở nên phòng thủ. Dù lời chỉ trích rất khó nghe và thường được phóng đại hoặc tô màu bởi cảm xúc của người khác, nhưng điều quan trọng là bạn cần lắng nghe nỗi đau của đối phương và đáp lại bằng sự đồng cảm với cảm xúc của họ. Ngoài ra, hãy xem xem có điều gì họ nói là đúng không; vì chúng có thể là những thông tin có giá trị cho bạn.

5. Chịu trách nhiệm ở phía mình

Chịu trách nhiệm cho bản thân là một thứ sức mạnh, không phải một điểm yếu. Giao tiếp hiệu quả bao gồm cả việc thừa nhận khi bạn sai. Nếu cả hai bạn đều có trách nhiệm trong một trận xung đột (thường là vậy), hãy tìm kiếm và thừa nhận những gì thuộc về bạn. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt tình hình, làm một tấm gương tốt và cho thấy sự trưởng thành. Nó cũng thường truyền cảm hứng để người kia cũng đáp lại ta một cách tử tế, đưa cả hai đến gần hơn với sự thấu hiểu và giải pháp.

6. Sử dụng những thông điệp ‘Tôi’

Thay vì nói những câu như “Bạn đã phá hỏng mọi thứ”, hãy bắt đầu câu nói với từ “Tôi”. Hãy đưa ra những lời khẳng định về bản thân và cảm xúc của bạn, chẳng hạn như “Tôi cảm thấy thất vọng khi điều này xảy ra.” Cách giao tiếp này ít mang tính buộc tội hơn, ít gây ra sự phòng thủ hơn và giúp người khác dễ hiểu quan điểm của bạn hơn là cảm thấy bị tấn công.

7. Tìm kiếm sự thỏa hiệp

Thay vì cố gắng “chiến thắng” cuộc tranh luận, hãy tìm cách để đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người— thông qua việc thỏa hiệp hoặc đưa ra giải pháp mới mẻ. Cách tập trung này hiệu quả hơn nhiều so với việc một người đạt được điều họ muốn còn người kia chịu thiệt thòi. Giao tiếp lành mạnh sẽ bao gồm việc tìm ra giải pháp vừa lòng cả đôi bên.

8. Dành thời gian “nghỉ giữa hiệp”

Đôi khi giao tiếp lành mạnh còn là biết nghỉ ngơi đúng lúc – nhất là khi tâm trạng trở nên nóng nảy và thật khó để tiếp tục cuộc trao đổi mà không dẫn đến tranh cãi hoặc bạo lực. Nếu bạn cảm thấy bản thân hoặc đối tác của mình có dấu hiệu quá tức giận để giao tiếp một cách xây dựng, bạn có thể tạm dừng cuộc trao đổi cho đến khi cả hai bình tĩnh lại.

Các bạn có thể dành thời gian để xử lý cảm xúc của mình bằng những cách thức phù hợp, ví dụ như đi dạo trong vòng nửa giờ hoặc đi ngủ – miễn là hai bạn sẽ quay trở lại cuộc trò chuyện.

9. Không để nó trôi đi

Tạm dừng cuộc thảo luận đôi khi là một ý tưởng hay, nhưng hãy nhớ quay lại với nó. Nếu cả hai bạn tiếp cận tình huống với thái độ xây dựng, tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng nhìn nhận quan điểm của người kia, hoặc ít nhất là muốn tìm ra giải pháp, các bạn có thể tiến gần hơn tới mục tiêu giải quyết xung đột. Trừ khi bạn muốn từ bỏ mối quan hệ, đừng từ bỏ việc giao tiếp.

10. Nhờ đến sự hỗ trợ

Nếu một hoặc cả hai bạn gặp khó khăn trong việc giữ thái độ tôn trọng vào lúc xung đột, hoặc nếu bạn đã cố gắng tự mình giải quyết xung đột với đối tác nhưng tình hình dường như không được cải thiện, một số buổi trị liệu với chuyên gia có thể giúp ích cho bạn.

Tham vấn cặp đôi hoặc gia đình có thể giúp giải quyết xung đột và hướng dẫn các kỹ năng giải quyết xung đột trong tương lai. Nếu đối tác của bạn không muốn đi, bạn vẫn sẽ được giúp ích khi đi một mình.

 

Nguồn: https://www.verywellmind.com/managing-conflict-in-relationships-communication-tips-3144967

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Một số bài viết liên quan:

>>>  Thời gian ở một mình dù được chọn hay không có thể là một cơ hội để nhấn nút reset 

>>>  Ranh giới trong các mối quan hệ, tại sao?

>>> 10 sự thật khoa học thú vị về tình yêu mà bạn chưa biết?