LÀM GÌ KHI NỖ LỰC RỒI NHƯNG TƯƠNG LAI VẪN VÔ ĐỊNH?

Không ít bạn trẻ bước vào công việc với tinh thần hăng hái, trở ra với sự kiệt quệ, mông lung tìm kiếm tương lai. Nếu câu trả lời không nằm ở việc thiếu năng lực hay kỹ năng, phải chăng họ nỗ lực chưa đủ? Liệu rằng họ chỉ cần nỗ lực thôi là đủ?

Nhưng không ít bạn trẻ bước vào công việc với tinh thần hăng hái, trở ra với sự kiệt quệ, mông lung tìm kiếm tương lai. Liệu câu trả lời có phải là do họ nỗ lực chưa đủ, hay còn ở câu hỏi nào khác?

Để trả lời thắc mắc này, hãy khảm phá và tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau.

1. Nỗ lực, nhưng có dám chấp nhận giới hạn?

Trong một thế giới khi chẳng có gì là chắc chắn, thì hãy chọn thứ không chắc chắn đáng giá nhất. Niềm tin “mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp” từ lâu đã trở thành kim chỉ nam trong những cuốn sách self-help, các khóa học cũng như hội thảo hướng đến người trẻ, sinh viên.

Nỗ lực khoác trên mình dáng vẻ của một cái đích an toàn. Khi nỗ lực, ta cảm thấy mình đang trở thành một phiên bản tốt hơn, bận rộn hơn, chăm chỉ hơn, sống hết mình với tuổi trẻ và đảm bảo cho một tương lai an toàn. Có lẽ vì thế ta bỏ quên một điều quan trọng: Trên đời này, có những thứ không phải nỗ lực và cố gắng thôi là đủ.

Liệu phiên bản tốt hơn đó có đủ tiệm cận với mục tiêu được đề ra? Chắc chắn một người có thể luyện hát tốt hơn, nhưng vẫn không thể trở thành ca sĩ nếu giọng hát không có khả năng làm người nghe “gục ngã”. Một người có thể luyện để vẽ đẹp hơn, nhưng vẫn không thể trở thành một nghệ sĩ thị giác nếu không có gu thẩm mỹ tốt. Và bạn không thể làm một người rung động chỉ bằng cách cống hiến và thể hiện tấm chân tình của mình cho người đó.

Không phải lúc nào nỗ lực cũng có thể giúp ta vượt qua giới hạn, nhất là khi chính ta còn không ý thức được tình huống thực tế của mình. Chấp nhận những giới hạn mà dù cố gắng cũng không thể phá vỡ là bước đầu tiên trong hành trình trưởng thành. Giới hạn là một phần làm nên con người hiện tại của chúng ta.

Trước khi bứt phá, một người cần chấp nhận những phần xấu xí, yếu đuối nhất của bản thân. Những slogan “không gì là không thể”, “nỗ lực để thành công”, “phải làm được”,… lúc này không phải tia sáng hy vọng mà chỉ là những lời tự huyễn hoặc nhằm trốn chạy thực tại.

Nỗ lực chắc chắn có thể giúp chúng ta bứt phá giới hạn của bản thân, nhưng không chắc chắn có thể giúp bứt phá được giới hạn đến với thành công.

2. Nỗ lực, nhưng để hướng đến điều gì?

Trong cuốn tiểu thuyết “Alice ở xứ sở thần tiên”, có một đoạn trích như sau:

Ngày kia, Alice đến một ngã ba đường và thấy chú mèo Cheshire đang ngồi trên một cành cây. Alice hỏi:

“Bạn có thể vui lòng cho tôi biết tôi nên đi theo con đường nào không?”

“Điều đó phụ thuộc vào ý cô muốn đi đâu” – Mèo nói

“Đi đâu cũng được, tôi không quan tâm!” _ Alice đáp

“Thế thì cô đi đường nào cũng vậy thôi!” – Mèo nói

Giống như Alice, không ít người vội vàng nỗ lực mà quên tự hỏi bản thân đang đứng đâu và muốn đến đâu. Nỗ lực giống như lực của cánh cung tạo ra vậy, một khi đã buông dây thì mũi tên sẽ bay thật nhanh đến hướng đang được ngắm. Nếu ngắm lệch, mũi tên sẽ chỉ càng rời xa đích đến nhanh hơn mà thôi.

Nỗ lực khi không được đặt đúng chỗ chỉ phản tác dụng, mất sẽ nhiều hơn được, thành quả không tương xứng với công sức bỏ ra. Mũi tên muốn trúng hồng tâm, trước hết phải lao theo đúng hướng.

Hãy bắt đầu với việc ngồi lại và vạch ra: đâu là kỹ năng phải có để hoàn thành công việc? Đâu là kỹ năng bổ trợ giúp giải quyết công việc tốt hơn? Không nên rơi vào tình trạng “tưởng cái gì cũng biết mà động vào cái gì cũng không biết”.

Đừng cố gắng ôm đồm quá nhiều việc hay cố gắng để hoàn thành mọi thứ ở mức độ hoàn hảo vì vốn dĩ, không ai trong chúng ta có thể giỏi tất cả mọi thứ. Hãy nhớ, tìm hướng đi thay vì tìm đường. Sau tất cả, nỗ lực giải một bài toán sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu ta còn không nắm được đề bài.

3. Nỗ lực, nhưng có phải là gượng ép?

Không bao giờ là thừa khi ta dành thời gian xem lại chặng đường đã qua, nhìn sâu vào chính bản thân mình. Và tự hỏi: Mình có thật sự hạnh phúc với công việc hiện tại và sẵn sàng chấp nhận theo đuổi ngành nghề hiện tại cả đời? 

Nếu thực sự yêu thích công việc đang làm, thì liệu chúng ta có đủ phẩm chất cũng như năng lực mà ngành nghề này yêu cầu? Sẽ thật may mắn làm sao nếu những thế mạnh của chúng ta cũng có thể tạo thuận lợi cho công việc, ngành nghề mà ta ưa thích. Nhưng nếu mọi chuyện lại không may mắn như thế thì sao?

Nỗ lực là một phần không thể thiếu để có một tuổi trẻ nhiệt huyết và đảm bảo cho tương lai. Nhưng đừng cố quá nếu ta cảm thấy vượt khỏi giới hạn của mình. Giống như ép đứa trẻ lớp 1 giải tích phân lớp 12, gượng ép bản thân phải đạt những mục tiêu ngoài tầm với sẽ chẳng giúp ta có được gì ngoài những áp lực và thất vọng. 

Hãy chọn mục tiêu thử thách nhưng cũng giữ lý trí tỉnh táo. Đừng bỏ qua những “dấu hiệu” cho thấy sự không tương đồng về năng lực yêu cầu. Nỗ lực nhưng đừng gồng ép bản thân. Chậm mà chắc và bạn sẽ vững bước trên con đường của mình.

Nguồn: https://vietcetera.com/vn/lam-gi-khi-no-luc-roi-nhung-tuong-lai-van-vo-dinh

Nếu bạn đang cảm thấy mơ hồ trong quyết định nên làm gì tiếp theo, mình có thể phù hợp với một công việc như thế nào? Hay bạn đang cần phải đưa ra quyết định khi đang đứng giữa “ngã tư”? Hãy tham khảo Gói dịch vụ Tư vấn hướng nghiệp Nâng cao và Chuyên sâu của MindCare: https://mindcare.vn/dich-vu-huong-nghiep/

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:

☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/