Thông tin được trình bày trong bài viết có thể gây khó chịu cho một số người. Nếu bạn đang có ý định tự sát, bạn có thể liên hệ với các địa chỉ hỗ trợ tâm lý miễn phí sau: Đường dây nóng Ngày Mai – 096 306 1414 (13:00-20:30 Thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy và Chủ nhật), Đường dây nóng BlueBlue – 1900 9204 – bấm phím 3, Ngôi nhà Bình Yên – 1900969680. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp nguy cấp, hãy gọi Tổng đài cứu hộ cảnh sát 113.
Ý tưởng tự sát, đôi khi được gọi là ý nghĩ tự sát, mô tả những suy nghĩ, tưởng tượng, ý tưởng hoặc hình ảnh liên quan đến cái chết do tự sát. Trái ngược với suy nghĩ thông thường, trầm cảm và ý nghĩ tự sát không chỉ giới hạn ở người lớn, nhưng có sự khác biệt về các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo ở thanh thiếu niên.
Là cha mẹ, người chăm sóc hoặc bạn bè, điều quan trọng nhất bạn có thể làm để hỗ trợ người thân đang gặp khó khăn là học cách nhận ra ý định tự sát là gì, nó trông như thế nào ở thanh thiếu niên và cách can thiệp.
Ý tưởng tự sát thụ động và chủ động
Đối với thanh thiếu niên, ý tưởng tự sát có thể dao động từ ý nghĩ thoáng qua đến việc lập kế hoạch thực tế để kết thúc cuộc đời của họ. Vì lý do này, các chuyên gia sức khỏe tâm thần thảo luận về ý tưởng tự sát dưới góc độ thụ động hoặc chủ động.
Ý tưởng tự sát thụ động bao gồm có những ý tưởng mơ hồ về việc chết do tự sát. Tự sát được coi là một cách khả thi để chấm dứt nỗi đau, nhưng thông thường nó không hiện thực hóa thành hành động. Ý tưởng tự sát chủ động là khi một thiếu niên có những ý nghĩ tự sát dai dẳng và không ngừng cảm thấy vô vọng. Khi ý tưởng trở thành hành động, một thiếu niên bắt đầu thực hiện các bước để thực hiện ý định tự sát.
Nguyên nhân của ý tưởng tự sát ở thanh thiếu niên
Ý nghĩ tự sát và trầm cảm thường có nhiều nguyên nhân. Ý tưởng tự sát ở thanh thiếu niên thường do trầm cảm không được điều trị hoặc lạm dụng thuốc và luôn cần được xem xét nghiêm túc. Những khó khăn xã hội, căng thẳng, áp lực học tập và những mối quan tâm khác mà thanh thiếu niên phải đối mặt có thể góp phần dẫn đến ý tưởng tự sát.
Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:
- Bị bắt nạt
- Các vấn đề sức khỏe
- Thiếu sự hỗ trợ của gia đình
- Lạm dụng thể chất hoặc lạm dụng tình dục
- Quan hệ xã hội nghèo nàn
- Lạm dụng chất kích thích và rượu
Các yếu tố di truyền cũng có thể đóng một vai trò trong trầm cảm và nguy cơ tự sát. Thanh thiếu niên có ý nghĩ tự sát thường có nhiều khả năng có thành viên trong gia đình đã chết vì tự sát.
Dấu hiệu cảnh báo ý nghĩ tự sát
Có khá nhiều dấu hiệu cho thấy con bạn có thể đang có ý định tự sát. Hãy chú ý đến những dấu hiệu sau:
- Trở nên cực kỳ kích động, khó chịu, chán nản và/hoặc lo lắng
- Bắt đầu sử dụng rượu và/hoặc ma túy hoặc sử dụng chúng thường xuyên hơn
- Tính cách có những thay đổi rõ ràng
- Tự hủy hoại bản thân hoặc tham gia vào các hành vi nguy cơ
- Thay đổi trong giấc ngủ, ăn uống hoặc những hoạt động khác
- Thể hiện sự tuyệt vọng hoặc cảm giác bị mắc kẹt, không lối thoát
- Tâm trạng thay đổi cực kì mạnh
- Thường xuyên nói về cái chết hoặc việc chết đi
- Cho đi tài sản mà không có lý do cụ thể
- Tự cô lập và rút lui khỏi liên lạc xã hội, đặc biệt nếu hành vi này đột ngột
- Tìm kiếm và/hoặc có được phương tiện để tự sát, chẳng hạn như giữ vật sắc nhọn hoặc thuốc với liều lượng lớn
- Bày tỏ lời tạm biệt với mọi người
- Nói những điều như “Con ước gì mình chết đi” hoặc “Con ước mình chưa từng được sinh ra”
Hãy nhớ rằng, các dấu hiệu cảnh báo có thể khác nhau đối với mỗi cá nhân và một số em sẽ giữ những suy nghĩ và cảm xúc này cho riêng mình. Nếu bạn cảm thấy con mình đang có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này hoặc không hành động như bình thường, hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia sức khỏe càng sớm càng tốt.
Một ví dụ về ý tưởng tự sát
Ivana, 15 tuổi, cảm thấy rất buồn khi người bạn thân nhất của mình chuyển đi, cô cảm thấy cô đơn và bất an sâu sắc. Một đêm nọ, cô thấy mình nghĩ đến việc tự sát như một cách để chấm dứt những cảm giác đau đớn cô đang gặp phải. Cô hình dung mình đang uống một lọ thuốc và chìm vào giấc ngủ sâu mà không bao giờ tỉnh dậy. Khi cô ấy thức dậy vào ngày hôm sau, ý tưởng tự sát của cô đã thay đổi, cô biết đó là một sự lựa chọn, nhưng cô đã cảm thấy tốt hơn và quyết định gọi cho một người bạn đã lâu không nói chuyện.
Chúng ta cần làm gì?
Nếu một thanh thiếu niên đang có ý nghĩ tự sát, cha mẹ, bạn bè và người giám hộ có thể thực hiện các bước sau.
Đối với cha mẹ
- Hãy động viên, thấu hiểu và không phán xét.
- Đảm bảo những công cụ tự sát tránh xa tầm tay trẻ.
- Tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo tự sát và trầm cảm.
- Nói chuyện cởi mở với con và cho con biết bạn nhận ra nỗi đau của chúng.
- Theo dõi các dấu hiệu sử dụng chất gây nghiện và tìm sự trợ giúp ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ có vấn đề.
Giải quyết những vấn đề tâm thần chưa được điều trị
Nếu con bạn có các triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc một tình trạng tâm thần khác, hãy trò chuyện với bác sĩ của con bạn. Mặc dù hầu hết những người có tình trạng sức khỏe tâm thần không có ý định tự sát, nhưng một tình trạng không được chẩn đoán hoặc điều trị đi kèm với các yếu tố nguy cơ khác có thể khiến khả năng tự sát gia tăng.
Không bao giờ bỏ qua các mối đe dọa về tự sát
Đừng coi những câu chuyện về tự sát là “kịch bản tuổi teen điển hình”. Nếu một đứa trẻ phát biểu những câu như “Con có thể tự sát” hoặc “Con ước gì mình chết đi”, bạn cần lắng nghe và thừa nhận nỗi đau của họ. Hãy cho họ biết rằng bạn hiểu họ đang bị tổn thương, bạn ở đó để hỗ trợ và bạn sẽ giúp họ tiếp cận với sự giúp đỡ mà họ cần.
Hỗ trợ họ có được sự giúp đỡ họ cần
Nếu bạn là cha mẹ hoặc người giám hộ, hãy nói chuyện với bác sĩ của con bạn để được giới thiệu đến một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên nghiệp. Bác sĩ hoặc nhà trị liệu của con bạn có thể đề nghị liệu pháp tâm lý , thuốc men và thay đổi lối sống để giúp giảm nguy cơ tự sát.
Nếu bạn là một thiếu niên và bạn lo lắng rằng bạn mình đang có ý định tự sát
- Hãy xem xét các dấu hiệu tự sát một cách nghiêm túc.
- Khuyến khích bạn của bạn nói chuyện với bác sĩ của họ hoặc một người lớn đáng tin cậy.
- Nói chuyện với giáo viên, phụ huynh hoặc những người lớn khác về bạn của bạn và những lo lắng của bạn.
Làm thế nào để ứng phó với ý nghĩ tự sát khi còn là thanh thiếu niên
Nếu bạn là một thanh thiếu niên và đang có ý định tự sát, điều quan trọng cần biết là có những người và nguồn lực có sẵn có thể giúp được bạn. Bất kể bạn đang trải qua điều gì hay cảm thấy thế nào, bạn không đơn độc.
- Thực hiện các bước để đảm bảo an toàn cho bạn: Hãy nhờ người lớn mang vũ khí, thuốc hoặc những mối nguy hiểm khác ra khỏi nhà. Nếu bạn đang gặp nguy cấp, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người lớn đáng tin cậy chẳng hạn như cha mẹ, thành viên gia đình, bạn bè, giáo viên, nhà tham vấn. Bạn cũng có thể gọi 113.
- Nói chuyện với ai đó: Nhiều người đã từng có ý nghĩ tự sát trong đời. Hãy nói về những gì bạn đang cảm thấy với một người mà bạn tin tưởng. Đó có thể là một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, hay bạn cũng có thể tìm đến bác sĩ, giáo viên, phòng tham vấn học đường, nhà trị liệu hoặc liên hệ đến đường dây nóng hỗ trợ tự sát.
- Hãy nhớ rằng cảm xúc của bạn không phải là vĩnh viễn: Vào thời khắc mọi thứ tưởng như vô vọng, hãy nhắc nhở bản thân rằng không có cảm giác nào tồn tại mãi mãi. Hãy tự hứa với bản thân rằng bạn sẽ cho mình thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ.
- Lập một kế hoạch an toàn: Lập một kế hoạch an toàn cho việc tự sát để sử dụng nếu thấy mình đang có ý tưởng tự sát chủ động. Kế hoạch của bạn cần bao gồm các bước bạn có thể thực hiện và những người bạn có thể gọi để trợ giúp bạn trong trường hợp khẩn cấp.
- Chăm sóc bản thân: Hãy đối xử với bản thân bằng sự quan tâm và tử tế. Lập kế hoạch để làm những điều bạn thích và có cho mình những điều để mong đợi. Tiếp cận với những người xung quanh để nhận được hỗ trợ xã hội. Các hành động chăm sóc bản thân như dành thời gian ở bên ngoài, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc cũng có thể giúp cải thiện trạng thái tinh thần của bạn.
Nếu bạn đang có ý định tự sát, bạn nên nghiêm túc nhìn nhận chúng. Hãy cố gắng xác định những yếu tố kích hoạt những suy nghĩ này, chăm sóc bản thân và nói chuyện với người mà bạn tin tưởng, một người có thể giúp bạn tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ mà bạn cần.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/suicidal-ideation-defined-2611328
———
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
————–
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/
Đọc thêm:
>>> Thời gian ở một mình dù được chọn hay không có thể là một cơ hội để nhấn nút reset
>>> Làm thế nào để giúp một người có suy nghĩ tự sát
>>> Bốn cách thực hành lòng tự trắc ẩn: Bài học đầu tiên để yêu chính mình