ĐỐI PHÓ VỚI SỰ KIỆT SỨC: CUỘC CHẠY ĐUA TÂM LÝ VỚI ĐẠI DỊCH COVID 19

Làm thế nào để đối mặt với tình trạng đại dịch dường như không bao giờ kết thúc?

“Tôi có phải là người duy nhất nghĩ rằng COVID-19 sẽ kết thúc vào lúc này không?”

“Khi nào COVID-19 kết thúc?”

“Liệu cuộc sống có bao giờ trở lại như trước đại dịch?”

Nếu bạn đang hỏi những câu hỏi tương tự, bạn không hề đơn độc. Một trong những lý do khiến cho việc đối phó với COVID-19 gặp nhiều khó khăn đó là dịch bệnh này giống như một cuộc chạy marathon hơn là ít phút chạy nước rút để về đích. Nếu bạn sắp kết thúc cuộc đua, bạn sẽ phải đảm bảo có đủ “sức” để về đích.

Vì COVID-19, cuộc sống dường như thay đổi hàng tuần, hàng ngày và thậm chí hàng giờ. Tệ hơn, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như tình trạng này sẽ không bao giờ kết thúc. Điều đó có thể khiến bạn kiệt sức (burnout) nếu bạn chưa chú ý chăm sóc bản thân đúng cách.

Kiệt sức thường được định nghĩa là một trạng thái kiệt quệ về thể chất, cảm xúc và tinh thần do cá nhân bị suy giảm khả năng ứng phó với những tác động từ môi trường quang quanh. Trạng thái này là kết quả của những gì bạn phản ứng với những nhu cầu liên tục và những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, trong đó nhu cầu của bạn vượt quá khả năng bạn có. Sau đây là một số bước bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.

Nhận biết các dấu hiệu kiệt sức

Nhận biết tình trạng kiệt sức là rất quan trọng vì tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất làm việc, tiêu hao năng lượng của bạn và (trong những trường hợp cực đoan) dẫn đến suy sụp hoàn toàn. Kiệt sức liên quan đến việc cạn kiệt năng lượng thể chất và trí tuệ xảy ra khi cá nhân làm việc quá sức, căng thẳng và tham gia vào các tình huống đòi hỏi khắt khe trong một thời gian dài. Nó khiến cá nhân cảm thấy mệt mỏi, suy sụp, choáng ngợp và cáu kỉnh.

Hãy lắng nghe cơ thể của mình và chú ý đến những gì suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác thể chất của bạn đang cố gắng “nói” với bạn. Các biểu hiện khó khăn về cảm xúc liên quan đến COVID-19 như căng thẳng, lo lắng và trầm cảm là phổ biến trong thời gian đại dịch này. Các dấu hiệu thường thấy của kiệt sức bao gồm:

  • Mệt mỏi mãn tính (kéo dài)
  • Năng lượng thấp
  • Chán ăn hoặc thay đổi vị giác
  • Tự nghi ngờ hoặc có cảm giác thất bại 
  • Thường xuyên nghi ngờ bản thân hoặc tự vấn
  • Cảm giác thất bại và chán nản
  • Chần chừ hoặc trốn tránh trách nhiệm
  • Rút lui hoặc cô lập bản thân khỏi người khác
  • Ăn uống  hoặc dùng thuốc quá độ
  • Thiếu kỷ luật trong thói quen tự chăm sóc bản thân, chẳng hạn như tập thể dục, vệ sinh hoặc chải chuốt

Thiết lập thói quen và nhịp điệu lành mạnh 

Việc tiếp theo bạn có thể làm là cố gắng hết sức để tìm cách thiết lập nhịp điệu và thói quen lành mạnh cho chính mình. Bạn càng có thể cố gắng quay lại với những thói quen tích cực bạn đã có trong cuộc sống trước COVID-19 thì càng tốt. Tuy nhiên, nhiều khả năng ta không thể quay lại như trước đây. Đúng hơn, bạn nên thử và tạo ra những điểm tựa trong bối cảnh phức tạp hiện thời.

Như việc cố gắng nhất có thể trong việc xây dựng lịch trình sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Những khuôn mặt quen thuộc, lịch trình quen thuộc và những công việc bình thường, có thể là những điểm tựa giúp bạn chống lại kiệt sức, ngay cả khi công việc hay việc gặp gỡ chỉ được thực hiện trực tuyến. Các thói quen dường như đều mang trong chúng một cái gì đó nhẹ nhàng và có tính chữa lành. Một số cách bạn có thể làm để thiết lập các thói quen lành mạnh bao gồm:

  • Tham gia vào các hoạt động giải trí có ý nghĩa, bao gồm các hoạt động bạn yêu thích cũng như trải nghiệm điều gì đó mới mẻ hàng tuần.
  • Chủ động xác định các khoảng thời gian dành riêng cho việc thư giãn trong ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Ưu tiên giấc ngủ và thực hành thói quen ngủ tốt (ví dụ: đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm).
  • Ăn các bữa ăn cân bằng mỗi ngày.

Tìm kiếm sự hỗ trợ 

Một trong những khó khăn thường được đề cập đến trong đại dịch là xu hướng rút lui khỏi xã hội vì áp lực “toàn xã hội cùng nhau chống dịch”. Đúng là ta cần giữ khoảng cách để phòng ngừa Covid -19, nhưng điều đó không có nghĩa là ta nên tự cô lập bản thân.

Đừng ngần ngại liên hệ với những người khác để được hỗ trợ. Đừng quên nạp năng lượng cho mình bằng cách dành thời gian cho những người ta quan tâm, những người đang ở cùng nhà, hay trò chuyện trực tuyến với những người bạn đáng tin cậy ở xa. 

Các ví dụ khác về cách bạn có thể tăng cường đón nhận sự hỗ trợ xã hội như:

  • Chủ động duy trì và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa.
  • Chia sẻ với mọi người về mục tiêu cuộc sống của bạn và tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ từ xung quanh.
  • Giữ kết nối với cộng đồng thông qua các công nghệ và mạng xã hội mà bạn có.
  • Đừng ngại thảo luận và chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải, vì biết đâu ai đó rất có thể cũng đang trải qua điều gì đó tương tự.
  • Trò chuyện với người mà bạn tin tưởng, chẳng hạn như bạn bè, thành viên gia đình hoặc hàng xóm.

Nếu bạn đã thử những chiến lược này nhưng vẫn còn cảm thấy kiệt sức, hãy biết khi nào bạn nên nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia. Khi nhận ra tình trạng của mình tiếp tục xấu đi theo thời gian; hoặc nếu chúng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như trong sinh hoạt, công việc hay trong các mối quan hệ, có thể đó là thời điểm thích hợp để nói chuyện với một chuyên gia và nhận được những sự trợ giúp chuyên nghiệp để lấy lại sự cân bằng.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/hope-resilience/202010/dealing-burnout-covid-19-s-psychological-marathon

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/