ĐÂU LÀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC Ý NGHĨA NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI BẠN?

Trong bộ phim “After life” (1998) của đạo diễn Hirokazu Koreeda, các nhân vật được chọn một khoảnh khắc hay một kí ức đáng nhớ nhất đối với họ, và họ có thể mang nó đi đến kiếp sau. Trong bài tiểu luận, “Wonderful life: Exploring Wonder in Meaningful moments” (2017) (tạm dịch: Cuộc sống tươi đẹp: Khám phá những điều kì diệu trong những khoảnh khắc ý nghĩa), nhà nghiên cứu Jacky van de Goor và cộng sự cũng đã đặt ra một câu hỏi tương tự cho một nhóm tham gia nghiên cứu có khoảng một trăm người rằng: “Giả sử nếu có kiếp sau, ở nơi đó, mọi kí ức sẽ bị xóa sạch, nhưng chỉ còn lại một kí ức duy nhất. Vậy kí ức hay kỉ niệm nào mà bạn sẽ chọn để lưu giữ nó mãi mãi?”

Nhóm tham gia nghiên cứu này bao gồm 50 nam và 50 nữ đến từ nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Họ đều là những người tham gia buổi tập huấn phát triển bản thân và một trong những hoạt động của buổi tập huấn là dành ra 15 phút để viết và kể về một kí ức mà họ muốn mang theo đến kiếp sau dưới dạng một câu chuyện hoặc là một kịch bản của một bộ phim. 

Van de Goor và cộng sự của cô ấy cho rằng khi họ hỏi những người tham gia nghiên cứu về một kí ức đặc biệt duy nhất, họ có thể tìm hiểu một cách đa dạng về những điều trong cuộc sống mà mỗi con người cho là ý nghĩa, trên một góc nhìn mới, nằm ngoài quy ước và định kiến.

Những chủ đề về những trải nghiệm ý nghĩa

Những nhà nghiên cứu tìm ra những đặc điểm chung trong những câu trả lời mà họ nhận được từ những người tham gia nghiên cứu này.

  1. Những nhân vật chính xuất hiện trong câu chuyện thường sẽ là những người mà họ gần gũi về mặt cảm xúc nhất (vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, những người bạn thân, vv)
  2. Nếu mà cha mẹ xuất hiện trong câu chuyện của họ, nó thường là chỉ một người xuất hiện.
  3. Hầu hết những câu chuyện được kể đều có những bối cảnh khác nhau, nhưng chỉ có một câu chuyện mà trong đó có hoàn cảnh là nơi làm việc
  4. Những cảm xúc và giá trị được gợi lên trong những câu chuyện này thường mang thiên hướng tích cực, ví dụ như những giá trị về sự hứng khởi, tình yêu, sự nồng ấm, sự hạnh phúc, sự tự hào, hòa bình, và sự tin tưởng.

Trong bài nghiên cứu của họ, Jacky van de Goor và cộng sự kết luận rằng những câu chuyện về sự kiện ý nghĩa nhất trong đời của một người có thể chia làm 5 loại chính sau:

Loại A – Dẫn nhập vào cuộc sống

Sự kiện ý nghĩa nhất xảy ra một cách bất ngờ và mới lạ đối với người kể chuyện, khiến người đó có cảm hứng học hỏi để hiểu và tìm ra được một giá trị gì đó trong cuộc sống.

Loại B – Đối mặt với sự khó khăn của cuộc sống

Ở loại này, không giống như ở loại trước, sự kiện ý nghĩa hơi mang thiên hướng tiêu cực và có nhiều thách thức (ví dụ như những trải nghiệm về khủng hoảng, tai nạn, hay là đối mặt với cái chết). Những sự kiện này cũng xảy ra một cách bất ngờ và nằm ngoài dự kiến. Nhưng một điều đáng chú ý là, đằng sau những gam màu xám xịt mà bối cảnh của sự kiện gây ra, người kể chuyện luôn tìm ra những vệt sáng và những điều tích cực mà họ đã học được hay rút ra từ những điều khó khăn và thử thách nhất. 

Loại C – Liên hoan kỉ niệm

Ở loại này, những sự kiện mang nhiều ý nghĩa như một đám cưới hay ngày tổ chức sinh nhật đã được lên kế hoạch và sắp đặt từ trước. Vì vậy, những sự kiện này có thể không xảy ra một cách quá bất ngờ mặc dù ngày đám cưới hay một bữa tiệc sinh nhật không phải là những sự kiện xảy ra hằng ngày. Loại sự kiện ý nghĩa này thường liên quan nhiều đến sự gặp mặt với những người thân thiết và gần gũi trong cuộc sống.

Loại D – Ngược lại của tiêu cực

Như ở loại thứ B, những sự kiện ý nghĩa của loại này được xảy ra trong một bối cảnh khá tiêu cực. Nhưng không giống ở loại B mà lại giống ở loại C, những tình huống khó khăn, thử thách, và đôi lúc nguy hiểm lại được đón nhận một cách tích cực để vượt qua kết hợp với những hành động có chủ đích và nhìn nhận một cách tích cực. 

Loại E – Những thói quen hằng ngày

Những sự kiện ý nghĩa này không được đặt trong một bối cảnh tiêu cực hay là trong một hoàn cảnh mang tính bất ngờ như một buổi tiệc sinh nhật, mà xoay quanh cuộc sống sinh hoạt thường nhật khi một hoạt động, thói quen, và lối sống được lặp đi lặp lại nhưng gợi nhớ nhiều ý nghĩa và liên tưởng đặc biệt đối với một người. 

Có thể chính bạn, là một đọc giả, có thể bắt đầu suy nghĩ cho mình một sự kiện đáng nhớ và ý nghĩa nào mà bạn muốn mang sang kiếp sau. Đối với tôi thì tôi có rất nhiều sự kiện đáng nhớ và cũng gặp khó khăn chọn lựa giống như các bạn bởi vì những sự kiện mà tôi cân nhắc đều liên quan đến những người rất quan trọng trong cuộc sống của tôi. 

Cắt nghĩa và suy tưởng

Sau đây là một số điều chúng ta học được và cần suy nghĩ về nghiên cứu của van de Goor và cộng sự. Thứ nhất, có một điều rất đáng chú ý đó là rất hiếm ai trong số những người tham gia nghiên cứu đề cập đến những khoảnh khắc hay kí ức gì liên quan đến công việc và sự nghiệp. Có lẽ, mặc dù chúng ta luôn dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc, và đôi khi phải hy sinh cả những mối quan hệ gần gũi của mình cho công việc, kết quả của nghiên cứu chỉ rõ ra rằng công việc không phải là tất cả mà điều quan trọng và ý nghĩa nhất đối với mỗi con người lại nằm ở những hoạt động khác. 

Thứ hai, thật đáng tiếc khi những nhà nghiên cứu không đi xa hơn trong nghiên cứu của họ và tìm hiểu về những mối tương quan, điểm khác biệt trong những trải nghiệm và kí ức đáng nhớ của những người thuộc những nhóm tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội, văn hóa, và nghề nghiệp khác nhau.

Thứ ba, nó sẽ thật thú vị nếu nghiên cứu có thể so sánh những câu trả lời đối với câu hỏi được đưa ra của nhà nghiên cứu với những câu trả lời đối với những câu hỏi khác, ví dụ như “Đâu là những sự kiện ý nghĩa nhất trong cuộc đời của bạn?”. Từ đó, nhà nghiên cứu có thể biết được nhiều điều hơn về cách người kể chuyện đi tìm ý nghĩa trong cuộc sống của họ, kể cả từ những sự kiện mang tính tiêu cực nhiều hơn tích cực

Cuối cùng, nhà nghiên cứu đã tự chỉ ra một hạn chế trong nghiên cứu của họ, đó là những lời phản hồi từ những người tham gia nghiên cứu có thể phần nào ít nhiều bị ảnh hưởng bởi môi trường hoạt động của buổi tập huấn. Tôi nghĩ là họ đã đúng. Có thể những người khi đang tham gia buổi tập huấn sẽ chuẩn bị sẵn những câu trả lời liên quan đến những mối quan hệ trong gia đình của họ hơn thay vì những câu trả lời liên quan đến vấn đề công việc hay sự nghiệp.

Nó luôn là một điều thú vị và quan trọng khi chúng ta có thể học hỏi từ những người khác về những trải nghiệm đáng nhớ và ý nghĩa nhất trong cuộc đời của họ.

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/finding-meaning-in-imperfect-world/202104/what-are-the-most-meaningful-moments-your-life

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com