Trong cuộc sống hiện tại đã tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các rối loạn tâm lý, tâm thần. Đại dịch COVID-19 như là một sang chấn thúc đẩy các rối loạn liên quan đến tinh thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn. Hiện đa số những người đã tiêm đủ 2-3 mũi vaccine khi mắc Covid đã giảm nhiều triệu chứng nặng, tuy nhiên một vấn đề tiếp tục nảy sinh đó là các triệu chứng hậu covid, trong đó có các triệu chứng của rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn,…
Một khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. Thủ Đức từ tháng 9 cũng cho thấy, 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở oxy lưu lượng cao qua mũi (HFNC), thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, thì tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%.
Ở Mỹ, kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Covid-19 khiến 63% người 18 – 24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử. Các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng, có hai nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm sau khi nhiễm Covid-19, đó là phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại vi-rút và tâm lý căng thẳng khi nhiễm Covid-19.
Thứ nhất, do phản ứng miễn dịch. Khi bị nhiễm Covid-19, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những thứ khác thúc đẩy quá trình viêm chống lại vi-rút. Nếu hệ miễn dịch cơ thể không kiểm soát đúng cách, nó sẽ gây hại cho chính tế bào thần kinh của mình như: Viêm dây thần kinh, tổn thương hàng rào máu não, tế bào miễn dịch ngoại vi tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương, giảm khả năng dẫn truyền thần kinh… Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ gây nên các chứng rối loạn giấc ngủ, đau đầu, rối loạn các hoạt động thần kinh cao cấp như hoạt động tư duy, trí nhớ, học tập, sáng tạo.
Thứ hai, trầm cảm, lo âu do căng thẳng tâm lý, stress. Các nghiên cứu cho thấy những tình trạng này xuất phát từ căng thẳng tinh thần và cảm xúc như: Sợ cách ly xã hội, sợ chết, sợ lây cho người thân, sự kỳ thị, sợ bị xa lánh liên quan đến nhiễm Covid-19, đau khổ vì mất người thân, thất nghiệp, mất thu nhập… Khi bị căng thẳng, sợ hãi, cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra nhiều chất nội tiết tố gọi là hormone chống stress. Các nội tiết tố này có lợi cho cơ thể giúp cơ thể có nhiều năng lượng tạm thời vượt qua thử thách trong thời gian ngắn hạn trong vòng 24 giờ, phản xạ thần kinh giao cảm dưới tác dụng của nội tiết tố sẽ làm tim đập nhanh hơn, hồi hộp, tăng huyết áp. Nếu stress tiếp tục kéo dài, các hormone stress giai đoạn muộn như cortisol sẽ tăng lên, lại gây hại cho cơ thể, như tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa, loãng xương, loét dạ dày… Căng thẳng kéo dài sẽ làm cho chúng ta có cảm xúc bất ổn, rất dễ cáu giận, buồn vu vơ hoặc lo lắng. Thay vì giữ bình tĩnh, cố gắng hoàn thành công việc, chúng ta trở nên nóng nảy và khó chịu, mất tính kiên nhẫn. Để giải tỏa cảm giác bí bách, căng thẳng, người ta hay có những hành động lạ, như: Khóc, hét to hoặc sử dụng các loại chất kích thích như rượu, thuốc gây nghiện.
Theo khảo sát, 3 nhóm có nguy cơ gặp các rối loạn tâm lý. Nhóm một là người từng có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần đã điều trị khỏi, hiện tái phát do ảnh hưởng của Covid-19. Nhóm hai là bệnh nhân mới, bị căng thẳng bởi các yếu tố kinh tế xã hội tác động từ đại dịch như phá sản, thất nghiệp, bế tắc trong cuộc sống... Nhóm ba có người thân là F0, hoặc bản thân là F0, chịu nhiều đau thương mất mát sau đại dịch…
Nếu thấy bản thân hoặc có người thân có các triệu chứng của các rối loạn tâm lý sau khi khỏi bệnh Covid-19, thì nên tìm đến các dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý ngay lập tức để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: st
——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/