Bạn đã bao giờ tự hỏi cảm xúc là gì chưa? Cảm xúc – hiểu một cách đơn giản – là những rung động năng lượng trong cơ thể chúng ta, nguồn gốc không từ những gì đang xảy ra trong thế giới xung quanh tức yếu tố ngoại cảnh (công việc, cuộc sống gia đình, các mối quan hệ), mà do suy nghĩ của chính chúng ta về chúng.
Chính bạn, người thông qua suy nghĩ và cảm xúc của bạn, đã tạo ra trải nghiệm của bạn về thế giới, chứ không phải ngược lại.
Là con người, chúng ta trải qua những cảm xúc khác nhau: hạnh phúc, buồn bã, tức giận, căng thẳng, oán giận, phấn khích, vui vẻ, hài lòng, bối rối, …
Ở một thời điểm nào đó, chúng ta được dạy rằng không nên có nhiều cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc khó khăn, vì nó khiến chúng ta mong manh và dễ bị tổn thương. Nhưng tôi tin rằng việc hiểu và quản lý cảm xúc của mình sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn, nhẹ nhàng hơn và ít đau khổ hơn.
Vì sao cảm xúc lại quan trọng?
Bạn có thể học được ở đâu đó rằng, cảm xúc chỉ quan trọng đối với một số người – những người đặc biệt nhạy cảm, nhưng trên thực tế, tất cả con người đều có được cảm xúc.
Cảm xúc rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta vì bốn lý do.
1. Mọi thứ chúng ta làm (hoặc không làm) diễn ra bởi vì chúng ta liên kết nó với cảm xúc mà chúng ta muốn trải nghiệm.
2. Suy nghĩ của chúng ta kích thích cảm xúc của chúng ta và cảm xúc của chúng ta kích thích sự hành động (hoặc không hành động) của chúng ta: điều này đúng với tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đều có cảm xúc, chỉ là cách chúng ta thể hiện chúng khác nhau.
3. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được những thành tựu to lớn bằng cách phớt lờ cảm xúc của mình, thì chúng ta đã nhầm to! Cảm xúc là mối liên kết quan trọng nhất giữa chúng ta và mục tiêu của mình, bởi vì sự hành động (hoặc không hành động) của chúng ta dựa trên cách chúng ta cảm nhận và những gì chúng ta nói với bản thân về những cảm xúc này.
4. Mọi trải nghiệm chúng ta có trong đời, cuối cùng, chỉ đơn giản là một cảm xúc.
Một ví dụ để hiểu rõ hơn: Bạn đang ở trong một mối quan hệ và mối quan hệ đó kết thúc.
Bạn có thể hài lòng hoặc đau đớn về sự kết thúc của mối quan hệ, điều này không phải vì mối quan hệ tự kết thúc (ở đây là tình huống), mà vì suy nghĩ và ý nghĩa bạn đặt cho tình huống (kết thúc mối quan hệ) tại thời điểm đó.
Các điều kiện bên ngoài là trung lập, không tích cực cũng không tiêu cực.
Nếu nghĩ theo cách này, việc kết thúc một mối quan hệ đối với một người nào đó có thể là một thảm họa, trong khi đối với người khác, đó có thể là một sự giải thoát. Hoàn cảnh giống nhau (kết thúc mối quan hệ), nhưng suy nghĩ và cảm xúc lại hoàn toàn khác nhau.
Đây có thể không phải một khái niệm dễ dung nhập, bởi chúng ta không quen tư duy về những suy nghĩ và cảm xúc theo cách này. Chính chúng ta là người tạo ra nỗi sợ hãi, sự từ chối hoặc sự sỉ nhục bằng suy nghĩ của mình mà hầu hết thời gian chúng ta không hề nhận ra, dựa trên niềm tin và tư tưởng đã đi theo chúng ta nhiều năm tháng.
Cách tốt nhất để thoát khỏi những đau khổ từ một cảm xúc là đừng để bản thân bị ngăn trở bởi nỗi sợ cảm nhận cảm xúc ấy. Nếu bạn chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình thì bạn sẽ kiểm soát được cuộc sống của mình. Để tạo ra cuộc sống mà bạn khao khát, bạn phải chịu trách nhiệm cho những gì mình cảm thấy.
Tôi biết nghe có vẻ là điều hiển nhiên: chúng ta là người lớn, chúng ta phải có trách nhiệm! Nhưng nếu bạn nhìn xung quanh mình, bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn mọi người dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh về cảm xúc của họ thay vì tự chịu trách nhiệm cho chúng.
Khi bạn đổ lỗi cho yếu tố ngoại cảnh về cảm xúc của bạn, bạn đang tạo ra một thực tế rằng bạn không thể giải quyết vấn đề của chính mình. Bạn đã trao quyền cho hoàn cảnh quyết định cảm xúc và tương lai của bạn, giống như bạn đang tự nhủ: ‘Tôi không thể ổn hơn nếu hoàn cảnh này không thay đổi’. Khi ấy, bạn đang cảm thấy bế tắc và bị mắc kẹt, và đó là một lời dối trá vì bạn luôn có khả năng lựa chọn cách bạn muốn cảm nhận cũng như cách bạn muốn hành động.
Làm vậy không có nghĩa bạn sẽ luôn cảm thấy ổn thỏa, vui vẻ (điều này là không thể), mà có nghĩa là bạn ngừng đổ lỗi cho người khác về những cảm xúc mà bạn cảm thấy và tự chịu trách nhiệm về cảm xúc của bạn trong mọi khoảnh khắc.
Nhiều người sợ cảm xúc của họ (điều này rất bình thường và là một phần của bản chất con người bởi việc hồi tưởng lại ký ức tiêu cực trong quá khứ có thể gây đau đớn), họ sợ cảm nhận những cảm xúc tiêu cực, và đôi khi cả những cảm xúc tích cực, nhưng nếu bạn muốn kiểm soát cuộc sống của bạn và sống tốt hơn, bạn phải chịu trách nhiệm cho tất cả những cảm xúc của mình, dù chúng tiêu cực hay tích cực. Khi bạn không còn sợ chúng, khi bạn vượt qua sự tự phán xét và cho phép bản thân cảm nhận mọi thứ bạn cảm thấy, bạn đã và sẽ tiến thêm những bước dài bởi bạn nhận ra rằng: Bạn có thể kiến tạo và làm bất cứ điều gì bạn muốn trong cuộc đời mình – Bạn không còn là một sản phẩm của môi trường nữa.
Vì sao chúng ta có cảm xúc?
Bởi vì đó là cách bộ não của chúng ta phát triển! Nó được thiết lập để giúp chúng ta tồn tại, nó luôn tìm kiếm niềm vui, tránh đau đớn và hoạt động hiệu quả nhất có thể. Trên thực tế, né tránh đau đớn là một điều tốt, đặc biệt là khi chúng ta gặp nguy hiểm thực sự. Nhưng trong những tình huống như thay đổi công việc, khởi nghiệp hoặc hẹn hò với một người mới, những cảm xúc khó chịu nên được chấp nhận và xử lý thay vì chúng ta từ bỏ hành động của mình.
Mỗi khi chúng ta thay đổi, chúng ta đều cảm thấy khó chịu, điều đó là bình thường!
Một khi bạn hiểu hoạt động của cơ chế này trong não bạn, nó giống như thể bạn có được một siêu năng lực và không gì ngăn cản bạn được!
Bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận những cảm xúc rất khó chịu nếu bạn biết rằng mục tiêu là đạt được ước mơ của mình: bạn có thể yêu cầu tăng lương, nộp đơn xin việc mới, chấm dứt một mối quan hệ không hạnh phúc và/hoặc bắt đầu một mối quan hệ mới, bắt đầu công việc kinh doanh của riêng bạn, giảm cân và mọi thứ khác mà bạn mong muốn.
Thử hình dung về những thay đổi lớn mà bạn đã thực hiện trong cuộc sống của mình xem, chắc chắn bạn đã cảm thấy khó chịu vào thời điểm bạn trải nghiệm chúng. Nhưng ngày hôm nay nhìn lại, bạn hẳn sẽ thấy rằng việc đối mặt, chấp nhận và vượt qua sự khó chịu ấy là xứng đáng!
Nguồn: https://themindsjournal.com/readersblog/make-your-affirmations-work-personal-affirmation/
————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/
Đọc thêm:
>>> 6 đặc điểm của một người trưởng thành về mặt cảm xúc
>>> Mối quan hệ lành mạnh: Sự dung hòa giữa giá trị cá nhân và xúc cảm
>>> 10 sự thật khoa học thú vị về tình yêu mà bạn chưa biết?