CÁCH ĐỂ ĐI QUA MÙA “CÔ ĐƠN”

Có rất nhiều lý do để con người cảm thấy cô đơn (loneliness). Có thể do thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội và bị cô lập. Có thể một số người cũng rơi vào cảm giác cô đơn cho dù xung quanh họ có rất nhiều người khác, và lý do là họ thiếu sự kết nối cảm xúc với nhau. Chắc hẳn, có những thời điểm, mỗi người trong chúng ta đều trải qua sự cô đơn, và chắc chắc một điều rằng cảm giác đó không bao giờ dễ chịu. Để vượt qua cảm giác cô đơn này, bạn cần phải thực hiện rất nhiều bước khác nhau và để biết thêm về cách đó, hãy dành ít thời gian tham khảo các gợi ý dưới đây.

1.Hiểu rõ về Cảm giác Cô đơn

Tìm hiểu lý do tại sao bạn cảm thấy cô độc. Để có thay đổi tích cực có thể giúp ích cho bạn, hãy dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân tại sao bạn lại cảm thấy cô đơn. Chẳng hạn như, bạn có thể cảm thấy cô độc bởi vì bạn có ít bạn bè xung quanh. Nếu đúng như vậy, bạn có thể đi ra ngoài và bắt đầu kết thêm bạn. Tuy nhiên, sau khi làm quen thêm nhiều bạn mới, bạn vẫn sẽ có cảm giác cô đơn nếu sự cô đơn ấy xuất phát từ việc bạn có quá nhiều bạn nhưng giữa họ và bạn lại không có mối gắn kết ý nghĩa. Các câu hỏi dưới đây có thể giúp bạn tìm ra được nguyên nhân cốt lõi thật sự:

  • Khi nào thì bạn cảm thấy mình cô đơn nhất?
  • Có phải có một số người nào đó làm bạn cảm thấy đơn độc hơn khi bên cạnh họ?
  • Bao lâu thì bạn lại có cảm giác này?
  • Khi cô đơn, bạn thường muốn làm gì?

Tập viết nhật ký để nắm bắt được suy nghĩ và cảm giác nội tâm. Ghi nhật ký có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm giác cô đơn và đây cũng được xem như là một cách hay để giải tỏa căng thẳng. Để bắt đầu hành trình ghi chép, bạn nên chọn nơi nào đó yên tĩnh thoải mái và lên kế hoạch dành khoảng 20 phút mỗi ngày để viết. Hãy viết về cung bậc cảm xúc hoặc suy nghĩ riêng của bạn. Một số gợi ý về nội dung bạn có thể cân nhắc như:

  • “Tôi cảm thấy cô đơn khi…”
  • “Tôi cảm thấy cô đơn bởi vì…”
  • Bạn bắt đầu có cảm giác cô đơn vào lúc nào? Bao lâu thì bạn lại có cảm giác này?

Tập thiền. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngồi thiền sẽ giúp làm xoa dịu cảm giác cô đơn và trầm cảm.Tịnh tâm còn là một phương pháp tuyệt vời để bạn hiểu rõ hơn về nỗi cô đơn đang ẩn sau trong tâm hồn cũng như giúp bạn biết được chúng đến từ đâu. Tập thiền đòi hỏi nhiều thời gian, thực hành và sự hướng dẫn. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên tìm một lớp học thiền quanh khu vực bạn đang sống. Nếu xung quanh đó không có lớp nào, bạn nên đầu tư mua một băng đĩa CD hướng dẫn làm cách nào để tịnh tâm.

  • Trước khi bắt đầu tập thiện, hãy tìm một nơi yên tĩnh và thả lỏng cơ thể. Bạn có thể ngồi trên ghế hoặc một tấm đệm đặt trên sàn trong khi hai chân bắt chéo vào nhau. Nhắm mắt và tập trung vào hơi thở của bạn. Khi tập trung vào nhịp thở, đừng để bị phân tâm bởi những suy nghĩ vẩn vơ khác. Hãy lờ mọi thứ xung quanh.
  • Trong khi nhắm mắt, hãy tưởng tượng về thế giới xung quanh bạn. Đừng quên chú ý tới cảm xúc của bạn. Bạn nghe thấy gì, ngửi thấy mùi hương gì? Bạn cảm thấy thế nào về thể chất lẫn tâm hồn?

Cân nhắc đến việc trò chuyện với chuyên gia tâm lý về cảm giác của bạn. Thật khó để bày tỏ lý do tại sao bạn cảm thấy cô độc và bạn vượt qua cảm giác ấy như thế nào. Chuyên gia tâm lý dày dặn kinh nghiệm có thể giúp bạn nắm rõ và vượt qua nỗi cô đơn. Cảm giác này có thể ám chỉ rằng bạn đang suy sụp hoặc tình trạng sức khỏe tinh thần bên trong con người bạn không ổn định. Thẳng thắn trao đổi và trò chuyện với chuyên gia trị liệu có thế giúp bạn biết được chuyện gì đang xảy ra và có hành động hữu hiệu để thoát khỏi tình trạng này. 

2. Làm Bản thân cảm thấy Thoải mái

Nhận ra rằng bạn không cô đơn một mình. Cô đơn chỉ đơn thuần là 1 cảm giác trong mỗi người, nhưng nó cũng có thể làm bạn nghĩ rằng bạn kì lạ hơn người khác. Hãy gặp gỡ và trò chuyện với một người mà bạn cảm thấy an toàn và tin tưởng về việc bạn cảm thấy như thế nào. Khi bày tỏ hết nỗi niềm với họ, bạn cũng có thể hỏi xem họ đã bao giờ có cùng cảm giác như vậy hay chưa. Quá trình gặp gỡ và chia sẻ nỗi niềm với ai đó sẽ giúp bạn nhận ra rằng bạn không cô đơn như bạn vẫn nghĩ.

  • Thử nói một vài câu như, “Gần đây, mình hay cảm thấy cô đơn và mình muốn biết là liệu bạn đã bao giờ có cảm giác như vậy hay chưa.”
  • Nếu bạn không có bạn thân hoặc ai đó trong gia đình để chia sẻ, hãy trò chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý, hoặc hoặc các vị thiền sư, linh mục nếu bạn theo một tôn giáo nào đó.

Tiến lên phía trước. Thay vì cứ chăm chăm vào việc bạn cảm thấy cô đơn đến dường nào, hãy làm gì đó để tâm trí không còn vướng bận gì đến chuyện này nữa. Hãy đi bộ, đạp xe dạo vòng vòng, hoặc đọc một quyển sách nào đó. Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho việc khám phá hoạt động và sở thích của mình và đừng ngại thử điều mới lạ. Trải nghiệm sẽ mang lại cho bạn nền tảng giúp bạn tự tin phát ngôn trong các tình huống xã hội (từ đó bạn sẽ có cơ hội bắt chuyện với nhiều người hơn) và mở đầu cho những câu chuyện làm người khác thấy thích thú.

  • Hãy để bản thân luôn bận rộn. Thời gian rảnh rỗi là nguyên nhân làm cho bạn cảm thấy cô độc. Vì vậy nếu có cơ hội, đừng bỏ qua công việc hoặc các hoạt động ngoại khóa.

Tự bản thân mình thực hiện hoạt động xã hội. Nếu bạn không rủ rê được ai đó để đi chơi nguyên ngày, đừng để điều đó ngăn cản việc bạn tự ra ngoài và tận hưởng một mình. Chẳng hạn như nếu bạn muốn ra ngoài ăn tối hoặc xem phim, hãy làm những gì bạn muốn. Mặc dù nghe có vẻ hơi kỳ kỳ khi bạn làm những điều đó một mình trong khi bạn hoàn toàn có thể thực hiện chúng với người khác, nhưng đừng do dự. Không có gì là kỳ lạ cả khi được là chính mình và làm mọi việc mình muốn. Một khi bạn nhớ được tại sao bạn lại làm những việc này trước kia, bạn có thể thực hiện lại chúng dễ dàng hơn!

  • Nếu bạn ra ngoài đi ăn hoặc uống café một mình, đừng quên mang theo một quyển sách, tạp chí hoặc nhật ký. Lúc này, bạn sẽ có việc để làm (bận rộn) trong khi muốn tương tác với cái gì đó. Nên nhớ rằng mọi người thường đi ra ngoài một mình để dành nhiều thời gian cho bản thân hơn; chứ không phải là kiểu như khi bạn ngồi một mình, mọi người sẽ nghĩ bạn cô đơn và không có người bạn nào cả.
  • Sẽ mất khá nhiều thời gian để quen với việc cảm giác tự đi ra ngoài một mình. Nhưng đừng từ bỏ việc này ngay cả khi bạn hơi lúng túng ở lần đầu tiên.

Nghĩ đến việc nuôi thú cưng. Nếu bạn đang nỗ lực mà không cần nhờ đến bạn bè hay người thân, hãy cân nhắc đến việc nuôi mèo hoặc chó từ các khu vực bảo vệ động vật ở địa phương. Từ bao đời nay, thú cưng được xem như là bạn đồng hành trong nhà đáng tin cậy của con người. Vì vậy, việc chiếm được tình cảm của chúng sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm đáng quý.

  • Hãy là một người chủ có trách nhiệm. Đảm bảo rằng thú cưng nhà bạn đã được triệt sản và bạn chỉ nên chào đón chúng đến thế giới của bạn khi bạn đã sẵn sàng đảm nhận trọng trách chăm sóc chúng thật tốt.

3. Hoà nhập với xã hội

Tích cực tham gia các hoạt động. Để làm quen thêm nhiều bạn mới, bạn phải bước ra khỏi vỏ ốc của mình và hòa nhập với thế giới bên ngoài. Thử tham gia liên đoàn thể thao, đăng ký một lớp học năng khiếu nào đó, hoặc trở thành người tình nguyện trong cộng đồng nơi bạn đang sống. Nếu bạn là người nhút nhát hay mắc cỡ, hãy đăng ký vào nhóm gồm các thành viên có sở thích hay các khó khăn muốn được vượt qua giống bạn, cho dù đó là chỉ là nhóm trực tuyến. 

  • Không nên chú tâm hoàn toàn vào việc kết bạn và gặp gỡ mọi người. Hãy mạnh dạn hòa nhập vào xã hội và không hy vọng quá nhiều. Bạn nên để bản thân thấy thích thú và thoải mái cho dù có chuyện gì xảy ra. Làm những gì bạn thích đồng thời tham gia vào các nhóm sinh hoạt mà bạn cảm thấy an toàn.

Thử thách bản thân bằng việc chủ động trong các mối quan hệ xã hội. Làm quen người mới đòi hỏi bạn phải bắt đầu từ bước đầu tiên và rủ người khác tham gia cùng. Đừng chỉ ngồi im một chỗ và chờ người khác tới bắt chuyện với bạn. Thay vào đó, hãy mạnh dạn tiến lại gần họ trước. Hỏi xem liệu họ có muốn nói chuyện hay đi uống café với bạn hay không. Tốt nhất bạn nên cho họ thấy sự quan tâm của bạn đối với họ trước khi họ thể hiện sự quan tâm đến bạn.

  • Hãy là chính mình khi bạn đang làm quen với ai đó. Đừng cố gắng gây ấn tượng với người bạn mới quen bằng việc nói dối hay khoác lác về bản thân. Điều đó có thể khiến một tình bạn mới chưa kịp chớm nở đã kết thúc.
  • Hãy trở thành người lắng nghe thấu hiểu. Tập trung hết mình khi mọi người đang nói chuyện. Điều quan trọng ở đây là bạn nên phản hồi lại câu chuyện mà người đó vừa mới kể để họ thấy rằng bạn đã chú ý lắng nghe toàn bộ. Nếu không, họ sẽ cho rằng bạn chẳng để tâm gì tới những điều họ nói và ảnh hưởng đến sự kết nối trong mối quan hệ này.

Dành thời gian cho gia đình. Mối quan hệ sâu sắc và gắn bó giữa bạn với gia đình sẽ giúp bạn thoát khỏi cảm giác hiu quạnh. Thậm chí ngay cả khi bạn không trải qua kỷ niệm ngọt ngào nào với thành viên trong gia đình ở quá khứ, nếu bạn muốn, bạn vẫn có thể cải thiện lại mối quan hệ đó bằng một lời mời chân thành. Ví dụ như bạn có thể mời ai đó trong gia đình mà bạn không gặp trong một thời gian dài đi ăn trưa hoặc uống café để cơ hội gặp nhau và trò chuyện.

  • Khi nỗ lực để cải thiện hoặc tăng thêm tình cảm cho mối quan hệ với gia đình, bạn có thể áp dụng những chiến lược mà bạn đã sử dụng để kết thêm bạn mới, như là người mở lời mời trước, tự tin là chính mình và trở thành người lắng nghe sáng suốt.

Chắc chắn rằng sự hiện diện của bạn làm người khác thấy dễ chịu. Chủ động thu hút ai đó về phía bạn bằng cách cho họ thấy bạn là bạn đồng hành thú vị. Hãy khen ngợi chân thành thay vì chỉ trích và phê phán. Không nên làm lố quá. Chỉ đơn thuần là bạn nên đề cập đến cái gì đó mà bạn thích. Đây được xem như là một trong những cách hay để phá vỡ tảng băng xung quanh và giúp xây dựng lòng tin vững chắc theo thời gian vì mọi người sẽ nhận ra rằng bạn không phải đang phê bình hay chê bai gì họ.

Tham gia vào cộng đồng trực tuyến. Đôi khi, việc giao tiếp trong một cộng đồng online có thể dễ dàng hơn so với giao tiếp ở ngoài đời thực. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, lợi ích của việc tương tác online không thể so sánh được với tiếp xúc trực tiếp. Cho dù như vậy, đôi khi cộng đồng mạng có thể trở thành nơi thuận tiện để bạn chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của bản thân, hoặc đặt các câu hỏi cho ai có cùng hoàn cảnh giống bạn. Diễn đàn trực tuyến cũng cho phép bạn giúp thành viên khác cũng như giúp chính bản thân mình.

  • Luôn cảnh giác và đảm bảo an toàn khi online. Không phải tất cả mọi người đều nói đúng sự thật về họ. Họ có thể là kẻ săn mồi đi tìm kiếm và gài bầy những tâm hồn cô đơn.

4. Tận hưởng cảm giác cô độc

Phân biệt sự khác nhau giữa cô đơn (loneliness) và cô độc (solitude). Cô đơn là khi bạn cảm thấy không vui, không kết nối được dù ở một mình hay với nhiều người; trong khi đó, cô độc là khi bạn vẫn thấy hạnh phúc và biết cách tự hưởng thụ khi ở một mình (alone). Tất nhiên là không có gì sai trái với trạng thái cô độc, sự khao khát muốn và tận hưởng cảm giác một mình. Khoảnh khắc một mình thực sự rất thú vị và hữu ích.

Học cách hoàn thiện và làm bản thân cảm thấy hạnh phúc. Thông thường, chúng ta có xu hướng dành hết thời gian cho người khác, mà bỏ bê chính bản thân mình. Nếu bạn đang trải qua giai đoạn cô độc, hãy tận dụng chính khoảng thời gian này đế làm tất cả những gì mà bạn muốn cho bản thân. Đây là một cơ hội thật tuyệt vời và bạn xứng đáng được hạnh phúc!

Học thêm kỹ năng mới. Dành chút thời gian để bản thân khám phá thêm một sở thích mới sẽ giúp bạn vượt qua được cảm giác cô đơn, ngay cả khi tự bản thân bạn thực hiện điều đó. Bạn có thể học cách chơi một nhạc cụ nào đó, hội họa, hay thậm chí học khiêu vũ. Các môn này không chỉ giúp bạn làm quen thêm nhiều người mới, mà còn mang đến cho cảm xúc trong bạn một hướng đi đầy sáng tạo. Hãy biến nỗi cô đơn thành cái gì đó tốt đẹp hơn đi nào!

Làm gì đó lớn lao. Mọi người thường mơ ước làm chuyện gì đó to tát nhưng họ lại có hàng ngàn lời biện hộ để thoái thác việc đó. Có phải bạn từng mơ ước viết một quyển sách hoặc làm một bộ phim? Hãy tận dụng khoảnh khắc cô đơn như một lời biện minh cho các hành động tuyệt vời đó. Biết đâu chúng sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi cô đơn thì sao, ai mà biết được cơ chứ?

Nguồn tham khảo: Sưu tầm

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/