BÍ MẬT VỀ CÁI TÔI: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CỞI BỎ MẶT NẠ VÀ TRỞ THÀNH CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN?

Mặt nạ của cái tôi ngăn chúng ta trở thành con người thật của mình bằng cách nhốt ta trong một “cái tôi giả tạo”.

“Nếu bạn đeo một chiếc mặt nạ đủ lâu, bạn sẽ quên mất rằng đằng sau chiếc mặt nạ đó, mình thật sự là ai” – Khuyết danh.

Ego consume everyone (Cái tôi chiếm trọn tất cả chúng ta)

Tất cả chúng ta đều có một ý niệm rằng “Ta là ai?”. Tuy nhiên, ý niệm đó thường tập trung hướng đến xác định danh tính hơn là con người thật sự của chúng ta là gì. Bạn có thể nhầm lẫn cái tôi của mình là nhân cách, hoặc gọi tên nó thông qua hình ảnh, điều kiện, tính cách bên ngoài, trạng thái nhận diện tâm trí hoặc thậm chí là danh tính giả tạo. Bất kể bạn gọi cái tôi của mình là gì, đây đều là “cái tôi giả tạo”, cái tôi mà ta thường tin rằng chúng ta là tất cả những gì ta nghĩ. Thế nhưng, điều này hiếm khi là sự thật.

Cái tôi mang lại cho ta cảm giác sai lầm về bản thân mình, những cảm giác khiến ta tin rằng mình đang làm việc chăm chỉ, là người tốt bụng, sống có đạo đức và thành công.

Mặc dù những điều trên có phần nào đó đúng. Nhưng khi chúng ta bị kéo vào những ý thức sai lầm về cái tôi này, ta đang cố gắng sống một cuộc sống giống hệt như những “phiên bản” được tạo nên bởi cái tôi cái lầm đó, và rồi vô thức bản thân bị giam cầm trong ngục tù của cái tôi. Chiếc mặt nạ mà cái tôi đeo lên đã thuyết phục những người khác rằng ta thực sự là người đang đeo mặt nạ đó, con người mà chính ta cũng tin mình là người như vậy. Và điều này dẫn đến một vấn đề là: ta không thể sống với cái tôi thật sự, cái tôi chân thật của chính mình. 

Tác giả Nikki Sapp giải thích rằng: “Cái tôi dựa trên những khái niệm, những hệ thống niềm tin, những “ý niệm về” một điều gì đó, không phải dựa trên bất cứ điều gì có thực hoặc vật thể hữu hình. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin của chúng ta với sự tồn tại của tất cả những sự vật hữu hình”

Chiếc mặt nạ của cái tôi

Hầu như tất cả chúng ta đều đeo chiếc mặt nạ vô thức này hằng ngày khi tương tác với chính mình và với thế giới. Chúng ta cho phép chiếc mặt nạ này xác nhận ta là ai và đồng nhất với cái tôi giả tạo quá nhiều đến mức ta nhầm tưởng rằng đó là chính mình. Khi chiếc mặt nạ này hiện thân hiệu quả trước mặt gia đình và bạn bè, chúng ta cảm thấy được ghi nhận, tự tin và hạnh phúc. 

Được ghi nhận và chấp thuận là điều khiến chiếc mặt nạ của cái tôi trở nên mạnh mẽ, quyền lực và được trang bị tốt hơn. “Chiếc mặt nạ cũng thích âm mưu, lập kế hoạch và mưu mô, vì vậy nó không ngừng tìm kiếm và phấn đấu cho một điều gì đó, bất kể điều đó có thể là gì”, một bài báo trên trang “The Self” giải thích.

Thế nhưng, mặt nạ của cái tôi chỉ khiến ta đóng một cái vai giả tạo. Nó cung cấp cho ta một vai trò đã được định sẵn từ trước và một kịch bản yêu cầu ta phải tuân theo nghiêm ngặt để cảm thấy và xuất hiện một cách có giá trị và thành công. Nó mang lại cho ta cảm giác sai lầm về thành tựu và sự hài lòng, thỏa mãn. Cindy Wigglesworth, nhà khai vấn lãnh đạo và tác giả sách đã viết: “Những chiếc mặt nạ giả tạo này về bản chất là không thực tế. Chúng ta không thể sống theo chúng. Điều này luôn khiến ta cảm thấy rằng mọi thứ giống như một sự giả tạo. Chúng ta trở nên sợ hãi khi bị “phát hiện”. Vì vậy, chúng ta làm nhiều hơn để trông giống như một bà mẹ, ông bố hay bất cứ ai đó thật hoàn hảo”.

Tuy nhiên, cái tôi giả tạo được hình thành từ lớp mặt nạ của cái tôi thường có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, trầm cảm, sợ hãi, giận dữ và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Nó làm tăng thêm sự bất an, thiếu an toàn trong chính mình và phá hủy những mối quan hệ ta đang có. Nó tước đoạt của chúng ta và thế giới những điều mà con người thật sự của ta có thể đạt được.  

Tại sao chúng ta không thể gỡ bỏ được lớp mặt nạ của cái tôi?

Mặt nạ của cái tôi cho phép ta vượt qua những thử thách của cuộc sống với nhiều sự tự tin hơn. Nó cho phép ta bảo vệ bản thân mình khỏi những tổn thương và nỗi đau có thể xảy ra về mặt cảm xúc. “Chúng ta tin rằng việc mang danh tính này sẽ có phép ta điều hướng thế giới một cách dễ dàng hơn, thậm chí nó có thể không chân thực hoàn toàn”, tiến sĩ, nhà lãnh đạo chuyển đổi Devaa Haley Mitchell giải thích. Cô ấy bổ sung rằng “Vì thế mà chúng ta đeo một lớp mặt nạ của cái tôi để cảm thấy tốt hơn về danh tính, sự an toàn và tầm quan trọng của chính mình – hoặc để bảo vệ bản thân khỏi những nỗi đau trong quá khứ”.

Việc cởi bỏ chiếc mặt nạ của cái tôi sẽ khiến ta ngày càng cảm thấy sợ hãi, mất kiểm soát, thiếu thốn, không chắc chắn và bị cô lập. Một khi chúng ta lột bỏ cái tôi giả tạo đó đi, điều này đồng nghĩa với việc ta sẽ được để yên một mình để đối diện với chính bản thân và với tất cả những cảm xúc mà ta đã tránh né đến bây giờ. Và điều này có thể rất đáng sợ với hầu hết chúng ta.

Vì vậy, chúng ta vẫn cho phép mình giữ mặt chiếc mặt nạ đó thậm chí ta nhận thức rất rõ về sự tự tin giả tạo mà nó mang đến. Cởi bỏ chiếc mặt nạ ra sẽ cực kỳ đau đớn và khó chịu, thậm chí có thể mở ra những tổn thương cũ về mặt cảm xúc. 

Nguồn: https://themindsjournal.com/the-mask-of-ego/

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/