7 TÁC HẠI CỦA VIỆC GIÁO DỤC TRẺ NGHIÊM KHẮC

Hầu hết cha mẹ đều cho rằng càng dạy bảo nghiêm khắc, bé sẽ càng biết cách cư xử. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kỷ luật nghiêm ngặt và độc đoán sẽ hạ thấp lòng tự trọng của bé và khiến bé cư xử không tốt đối với những người xung quanh. Do đó, bé sẽ lại bị phạt và vòng tròn luẩn quẩn sẽ tiếp tục. 7 tác hại sau đây chính là các lý do khiến việc giáo dục nghiêm khắc lại gây ra vấn đề trong lối ứng xử của bé:
1. Tước đi cơ hội tự kiểm điểm và tự chịu trách nhiệm của trẻ.
Việc dạy bảo nghiêm khắc và kỷ luật khắt khe có thể giới hạn hành vi sai trái của trẻ, nhưng không giúp trẻ tự học cách sửa đổi. Trừng phạt trẻ giống như ép trẻ nhận sai thay vì giúp trẻ nhận thức được cái sai của mình. Việc tự hối lỗi và kiểm điểm có tác dụng lớn hơn trong việc phát triển nhân cách của trẻ, nhưng điều đó phải xuất phát từ sâu thẳm trong tâm thức của trẻ. Không trẻ em nào muốn bị kiểm soát và luôn mong muốn nhận được sự đồng cảm. Ép buộc trẻ cư xử theo cách người lớn cho là tốt dễ khiến bé tự phát sinh mong muốn phản kháng.
2. Dạy trẻ cách bắt nạt người yếu đuối hơn.
Trẻ em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cách cư xử của cha mẹ. Nếu bạn khiến bé sợ hãi để ép bé làm điều bạn muốn thì bạn đang gián tiếp dạy bé hãy làm điều tương tự với những người khác, hay nói cách khác là “bắt nạt”. Nếu bạn thường xuyên quát mắng bé, bé sẽ quát mắng người khác. Và nếu bạn đánh con, bé sẽ đánh người yếu hơn mình.
3. Dễ khiến trẻ dễ trầm cảm.
Việc trừng phạt trẻ cho thấy bạn không chấp nhận được cách cư xử của trẻ, thay vì ở bên cạnh bé và giúp bé vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Bé sẽ cảm thấy mình chỉ có một mình và trở nên khép kín bản thân với thế giới xung quanh.
4. Khiến trẻ tin rằng sức mạnh là lẽ phải.
Sau khi bị phạt, bé sẽ vâng lời, nhưng bé có hiểu ý nghĩa sâu xa của việc đó hay không? Sau này, trong cuộc sống, bé cũng sẽ tuân theo những gì số đông cho là đúng hoặc người có quyền lực lớn hơn cho là đúng, mất đi khả năng đấu tranh và luôn né tránh trách nhiệm. Bé sẽ chỉ nghĩ làm theo “người lớn” thì sẽ không bị phạt.
5. Trẻ có xu hướng nổi loạn.
Các nghiên cứu cho thấy những trẻ em được cha mẹ quản lý nghiêm ngặt thường có xu hướng nổi loạn và dễ nóng giận ở tuổi trưởng thành. Để lý giải điều này, hãy áp dụng lên chính bản thân người lớn chúng ta. Ví dụ, bạn vừa trải qua một thời kỳ ăn kiêng vô cùng khắc nghiệt. Ngay khi nó kết thúc, bạn sẽ làm điều gì trước tiên? Hẳn là đi đánh chén no nê một bữa. Điều đó cũng không khác biệt so với sự nổi loạn của trẻ ở tuổi trưởng thành, thời điểm trẻ vừa bắt đầu thoát khỏi sự quản lý của bố mẹ.
6. Dạy trẻ cách nói dối.
Trẻ làm theo những gì bạn cho là đúng khi bạn có mặt ở đó. Nhưng nếu bé không thật sự nghĩ điều mình làm là sai thì ngay khi bạn đi khỏi, bé sẽ lại về lối cũ. Lúc này, bé sẽ làm gì để không bị bạn phát hiện ra và trừng phạt? – Nói dối. Lâu dài, trẻ trở thành một kẻ nói dối không chớp mắt.
7. Hủy hoại tình cảm gia đình.
Những lời chỉ trích và biện pháp kỷ luật sẽ làm mất đi sự đồng cảm cần có giữa những thành viên trong gia đình, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và bé ngày càng xấu đi. Việc nuôi dạy con cũng sẽ trở nên nặng nề khi bạn thấy rằng mọi công sức giáo dục của mình đều vô ích. Giáo dục nghiêm khắc không chỉ khiến bé không vui mà ngay cả cha mẹ cũng không cảm thấy dễ chịu.
Giáo dục nghiêm khắc khiến cho việc “nuôi dạy con” trở thành “sản xuất con”, âm thầm tước đi quyền tự nhận thức và tự sửa đổi của bé, đồng thời đe dọa hạnh phúc của cả gia đình. Điều quan trọng nhất trong việc dưỡng thành nhân cách của trẻ chính là tình yêu thương và sự đồng cảm của cha mẹ.