5 DẤU HIỆU CỦA SỰ GẮN BÓ KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG MỐI QUAN HỆ LÃNG MẠN

Sự gắn bó trong các mối quan hệ: Sự kết nối tình cảm mà không gắn bó với một cá nhân khác đương nhiên là một điều không thể. Vì vậy, có thể nói, bạn không thể có một mối quan hệ lãng mạn tốt đẹp, trọn vẹn nếu không có sự gắn bó với người bạn đời của mình. 

Thực tế thú vị là kiểu gắn bó mà bạn đang có với người bạn đời hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào kiểu gắn bó mà bạn đã thiết lập với những người chăm sóc chính của mình, chẳng hạn như mẹ của bạn hoặc bất kỳ ai khác đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bạn sau khi sinh. Người mà bạn đã thiết lập một mối quan hệ thân mật lẫn nhau này được gọi là “đối tượng gắn bó” của bạn. 

Bowlby (1982) đã định nghĩa sự gắn bó là những cách thức đặc trưng của một người trong các mối quan hệ chăm sóc và gắn kết thân mật đối với các đối tượng gắn bó (như với cha mẹ, con cái hoặc người bạn đời của người đó). Nó liên quan đến sự tin tưởng của một người vào đối tượng gắn bó đó để tạo ra một một cơ sở an toàn mà từ đó người ta có thể khám phá thế giới và cũng như coi đó là một nơi an toàn của sự ấm áp, bảo vệ và hỗ trợ.

Trong thời thơ ấu của mình, những người chăm sóc của chúng ta là nơi duy nhất giúp chúng ta thỏa mãn các nhu cầu. Chúng ta không thể đáp ứng các nhu cầu của mình một cách độc lập. Trẻ có được sự hài lòng một cách nhất quán hay không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tình huống cũng như những đặc điểm của người chăm sóc. Khi một đứa trẻ thường xuyên bị thất vọng do không đáp ứng được nhu cầu, chúng sẽ không lớn lên với một sự không tin tưởng vào những “đối tượng gắn bó” của mình.

Trong quá trình lớn lên, những đứa trẻ như vậy không bao giờ có được một sự gắn bó an toàn, chắc chắn và đáng tin cậy với những người chăm sóc chính của mình cũng như với những người khác trong suốt cuộc đời của chúng. Đây là cách mà các kiểu gắn bó không lành mạnh ra đời và điều này ảnh hưởng đến kiểu gắn bó của chúng ta trong mối quan hệ với người bạn đời lãng mạn của mình.

Một số kiểu gắn bó mà những đứa trẻ này lớn lên đã làm giảm đáng kể cơ hội có được một mối quan hệ thành công sau này khi trưởng thành. Họ đấu tranh để tìm kiếm sự an toàn trong bất kỳ mối quan hệ nào khi họ trải qua cảm giác lo lắng và sợ hãi do họ nhận thức hoặc do có sự mất mát thực sự từ người bạn đời của họ.

Và bây giờ, hãy cùng vạch ra 5 dấu hiệu lớn cho thấy bạn đang có phong cách gắn bó không lành mạnh với đối tác của mình.

5 Dấu hiệu của sự gắn bó không lành mạnh trong các mối quan hệ:

1/ Sợ bị bỏ rơi

Bạn có thường xuyên bị cảm thấy hoang mang  vì sợ bị người bạn đời bỏ rơi không? Bạn có thường cảm thấy như đối tác của bạn sẽ tìm thấy một sự lựa chọn tốt hơn và rời bỏ bạn?

Việc cư xử như vậy có thể là lẽ tự nhiên nếu bạn đã từng phải đối mặt với sự chia ly và mất mát trong quá khứ. Ngoài ra, nỗi sợ hãi tột độ bị người bạn đời bỏ rơi này bắt nguồn từ việc thiếu tự tin và đánh giá thấp bản thân.

Nỗi sợ hãi này sẽ khiến bạn làm những điều kỳ lạ mà bạn chưa bao giờ tưởng tượng được. Bạn biến thành một người chuyên làm hài lòng mọi người, chỉ thực hiện các hành động sẽ được đối tác đánh giá cao (để bù đắp cho nỗi sợ hãi của bạn). Bạn sẽ thấy mình xin lỗi đối tác một cách không cần thiết, đổ lỗi cho bản thân, quá nhạy cảm với những lời chỉ trích, không thể cam kết hoàn toàn vì sợ bị tổn thương, thoả hiệp với nhu cầu của bạn, mở rộng ranh giới cá nhân và hy sinh rất nhiều chỉ để thúc đẩy đối tác luôn gắn kết với bạn. Thường thì những hành động như vậy sẽ trở thành như là những nhu cầu của đối tác của bạn.

2/ Cần sự trấn an thường xuyên từ đối tác của bạn

Bạn có cảm thấy tốt hơn mỗi khi đối tác của bạn nói “Anh sẽ không bao giờ để em ở một mình”? 

Mọi người đều như vậy. Nhưng bạn có cần phải nghe điều này thường xuyên hơn mức cần thiết không? 

Nếu bạn không có sự gắn bó an toàn trong mối quan hệ với đối tác của mình, bạn sẽ thường xuyên lo lắng về việc bị bỏ rơi. Bạn thực sự muốn kết nối cảm xúc với họ, nhưng bạn có xu hướng suy nghĩ quá mức về mối quan tâm của mình. Bạn biết đối tác của mình thực sự yêu bạn, nhưng bằng cách nào đó, sự nghi ngờ cứ chực chờ ở trong bạn. 

Sự nghi ngờ này chính là con quái vật đói khát vô độ luôn cần được cho ăn với sự đảm bảo và chấp thuận. “Họ tìm kiếm sự chấp thuận và trấn an từ những người khác, nhưng điều này không bao giờ làm giảm bớt sự nghi ngờ về bản thân của họ” (February, et.al., 2019).

3/ Trở thành người giải cứu

Sự gắn bó không lành mạnh trong các mối quan hệ khiến bạn cảm thấy như thể bạn đang mất kiểm soát đối với bản thân và cả với đối tượng gắn bó của bạn. Việc có được sự kiểm soát với đối tác của bạn sẽ khiến bạn cảm thấy như bạn đang thực sự cứu mình khỏi sự mất mát.

Đương nhiên, bạn sẽ bắt đầu sống cuộc sống của người bạn đời của mình bằng cách tham gia vào mọi việc họ làm. Điều này khiến bạn tuyên bố mình là “người chữa lành” trong mối quan hệ, người chỉ muốn điều tốt nhất cho bạn đời của mình. Bạn sẽ thấy mình thay mặt đối tác thực hiện mọi quyết định đơn lẻ, chịu trách nhiệm giải quyết mọi tình huống nhỏ nhặt và khắc phục các vấn đề của đối tác thậm chí khi họ không có ở đó. 

Bằng cách nào đó, bạn sẽ luôn cố gắng chiếm thế thượng phong trong mối quan hệ bởi vì bạn biết mình “có ích nhất trong mối quan hệ”. Bạn sẽ không còn xem đối tác của mình là bình đẳng, thay vào đó là một người luôn cần “được cứu” và “được giúp đỡ”. Đây là những gì thường được gọi là “hành động của người cứu hộ”.

4/ Quá quan tâm đến nhu cầu của người kia.

Những người thấu cảm rất hiếm. Thế nhưng, chúng ta lại đang rất cần nhiều hơn những người như vậy. 

Nhưng liệu một mối quan hệ lành mạnh có cần một người có sự quan tâm quá mức không? Một mối quan hệ lành mạnh thì vẫn cần một liều lượng lành mạnh của sự phụ thuộc lẫn nhau – nơi mà hai người cùng đón nhận và chia sẻ sự ấm áp và quan tâm tới nhau. 

Thế nhưng trái ngược lại, sự phụ thuộc vào cảm xúc lại là một con đường độc hại. 

Hãy lấy ví dụ này để xem xét sự tương phản giữa sự phụ thuộc lẫn nhau và sự phụ thuộc vào cảm xúc:

Sự phụ thuộc lẫn nhau: Em cần ý kiến ​​của anh trong khi em đưa ra lựa chọn nhưng quyết định cuối cùng vẫn sẽ là của em. 

Phụ thuộc vào cảm xúc: Em sẽ tuân theo bất cứ quyết định nào mà anh bảo.

Sự phụ thuộc lẫn nhau: Em sẽ ở bên anh trong những lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn và cũng mong anh sẽ luôn ở bên em những khi em cần.

Phụ thuộc tình cảm: Em sẽ cung cấp cho anh một sự ấm áp vô điều kiện và hoàn toàn không mong đợi gì từ anh. 

Giờ đây, việc quan tâm quá mức đến người kia khiến cho ranh giới của cả bạn và đối tác trở nên hòa quyện vào nhau. Bạn quên mất nơi bạn kết thúc và nơi họ bắt đầu. Nhu cầu của họ trở thành nhu cầu của bạn và bạn bắt đầu bận tâm quá nhiều những nhu cầu đó được đáp ứng. Cố gắng đáp ứng nhu cầu của đối tác bằng cái giá của bạn không phải là dấu hiệu của tình yêu hy sinh.

5/ Không chắc chắn về mối quan hệ

Đây là một số tin xấu cho bạn. Khi một hoặc cả hai đối tác trong một mối quan hệ có biểu hiện gắn bó không lành mạnh, thì tương lai của một mối quan hệ như vậy là không thể đoán trước. 

Nếu bạn có một phong cách gắn bó không lành mạnh, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mối quan hệ được suôn sẻ. Những xung đột, oán giận không được giải quyết, sự kiểm soát, thao túng, bất an và thiếu tin tưởng đối với đối tác của bạn sẽ làm cho mối quan hệ trở thành một nồi lẩu thập cẩm đang sôi sùng sục. 

Do đó tất cả những điều này có nghĩa là bạn phải hoàn toàn tách bản thân ra khỏi đối tác của mình? Và điều này có nghĩa là mối quan hệ của bạn không có tương lai?

Không hẳn vậy. Vì phong cách gắn bó trong các mối quan hệ đã ăn sâu vào bạn từ thời thơ ấu, do đó bạn có thể cảm thấy khó trong việc thay đổi tư duy của mình, nhưng bạn vẫn có một khả năng thay đổi rất lớn khi có kiến thức và sự hiểu biết.

Nguồn: https://themindsjournal.com/5-signs-unhealthy-attachment-style/

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——-
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/