5 BƯỚC ĐỐI MẶT VỚI KÍCH ĐỘNG CẢM XÚC (EMOTIONAL TRIGGERS)

Đứng trước những tác nhân kích động cảm xúc, ta có thể cực kỳ khó chịu.Tuy nhiên, việc bị kích động hoặc “bật công tắc” thực tế có thể là một cơ hội tuyệt vời để chữa lành, trưởng thành và thấu hiểu sâu sắc hơn về bản thân.

Bài viết này sẽ đề cập đến tác nhân kích động là gì, chúng ta học được gì từ kinh nghiệm đối mặt với tác nhân kích động cảm xúc, cách thay đổi phản ứng cảm xúc của bạn và kết hợp những gì bạn học được nhằm thay đổi một cách bền vững. Một chỉ dẫn 5 bước được đưa ra nhằm giúp bạn đối mặt với tác nhân kích động cảm xúc khi gặp chúng vào lần tới.

“Kích động cảm xúc” (Emotional Trigger) là gì?

Chúng ta bị kích động khi một lời nói hoặc hành vi nào đó “kích động” một phản ứng khó chịu ở ta. 

Giả sử, một người nhận được tin nhắn báo hủy kế hoạch từ một người bạn. Nhân vật chính của chúng ta trong câu chuyện này đã rất mong ngóng được dành thời gian với bạn của anh ta. Ngay lập tức, nhân vật chính diễn giải tin nhắn và  lý do hủy bỏ kế hoạch.

Rất nhiều “câu chuyện” có thể được tạo ra để “giải thích” cho tình huống này, từ “có chuyện gì đó rất quan trọng đã phát sinh vào phút cuối” cho đến “cậu ta không còn thích tôi nữa”. Tùy thuộc vào bản chất của mối quan hệ, kinh nghiệm quá khứ của nhân vật chính trong kịch bản và mức độ người này có thể chấp nhận tình huống mà không phán xét, một tác nhân kích động có thể xảy ra.

Nhằm phục vụ cho bài viết này, hãy giả sử nhân vật đã bị kích động bởi tin nhắn. Một số suy nghĩ nhất định được kích động là “bạn tôi không thích tôi nhiều như tôi thích họ”. Chẳng mấy chốc, một số cảm xúc mãnh liệt xuất hiện như thất vọng, tức giận hoặc có thể là xấu hổ. Những cảm giác đó đi kèm với những cảm giác thể chất như tức ngực hoặc cảm giác bụng chùng xuống. Bất cứ ai có những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác thể chất này đều sẽ cảm thấy thực sự khó chịu!

Lúc này, nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta có thể mắc kẹt vài giờ (thậm chí vài ngày) trong vòng lặp phản ứng giữa suy nghĩ-cảm xúc-cảm giác thể chất này—trừ khi có sự thay đổi!

Một trong những lý do khiến chúng ta rơi vào chu kỳ kích động kéo dài là vì chúng ta đang chống lại chính trải nghiệm đó. Điều này có thể hiểu được. Làm gì có ai muốn suy nghĩ và cảm nhận theo cách ấy đâu? Nhưng khi chúng ta thực sự dừng lại bên trong quá trình kích động và trải nghiệm nó một cách đầy đủ, thì đó là cánh cửa để ta thực sự hiểu những gì nằm bên dưới nó.

Việc chúng ta có những khoảnh khắc “bật công tắc” này là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta luôn được lựa chọn liệu mình sẽ duy trì những khuôn mẫu hay bắt đầu hoài nghi và dần dần thay đổi chúng.

Tại sao chúng ta bị kích động?

Thứ kích động chúng ta gần như không quan trọng bằng việc từ ban đầu công tắc này được bật như thế nào. Dù bạn tin hay không, luôn có lý do cho sự tồn tại của công tắc này! Tác nhân kích động vốn chỉ cố gắng bảo vệ chúng ta khỏi khả năng gặp lại một trải nghiệm đau đớn mà chúng ta có thể đã gặp phải trước đó trong đời.

Tác nhân kích động cũng cảnh báo chúng ta khi ranh giới cá nhân bị xâm phạm. Tất cả chúng ta đều có những ranh giới bao gồm niềm tin, giá trị và ý tưởng về cách chúng ta muốn được đối xử. Điều quan trọng ta cần hiểu được là người bật công tắc thường không biết đến sự tồn tại của công tắc đó và có thể họ không cố ý. (Nếu họ cố ý thì chúng ta lại cần một bài viết khác!)

Việc phản ứng mạnh mẽ trong các tình huống kích động cũng giống như tấn công người đưa nó đến. Thay vì đổ lỗi cho người bạn tội nghiệp đã vô tình giẫm lên chân bạn, đã đến lúc nhấn một công tắc khác — công tắc tạm dừng — và điều tra xem điều gì đang thực sự xảy ra.

5 bước để đối mặt với các tác nhân kích động cảm xúc

Hãy nhớ rằng, bị kích động là một cơ hội tuyệt vời để khám phá và vượt qua những vết thương trong quá khứ của bạn. Đó có thể là cơ hội để bước ra khỏi một điều gì đó khác trong cuộc sống đang kìm hãm bạn và có thể cứu vãn các mối quan hệ của bạn.

Và đây là một số bước để đối phó với những khoảnh khắc bạn đứng trước những tác nhân kích động cảm xúc.

Bước 1: Chú ý tác nhân kích động

Như đã đề cập trước đó, một trong những điều đầu tiên chúng ta có xu hướng làm khi bị kích động là chống lại tác nhân kích động đó và cố gắng khiến nó biến mất càng nhanh càng tốt. Những gì chúng ta càng chống lại sẽ càng tồn tại dai dẳng, cuối cùng chúng ta sẽ khiến bản thân đau khổ lâu hơn, dữ dội hơn so với việc chúng ta chỉ để những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác thể chất ấy xảy ra. Tuy chúng gây đau đớn, nhưng chúng không phải vĩnh viễn.

Bước 2: Ở lại với cảm xúc của bạn

Hãy thử gọi tên những cảm xúc đến với bạn. Đừng cố gắng thay đổi hoặc ngăn chặn chúng, hãy cho phép phản ứng cảm xúc của bạn sinh sôi càng nhiều càng tốt. Hãy chú ý vị trí của những cảm xúc này bên trong cơ thể bạn. Cơ thể bạn cảm thấy căng thẳng ở đâu? Bạn khó chịu nhất ở đâu? Bạn sẽ thấy rằng, sau khoảng chừng một phút, những cảm giác này sẽ tự giảm bớt.

Bước 3: Tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây

Giờ đây, phản ứng về cảm xúc và thể chất đã bớt dữ dội hơn, đã đến lúc nhận biết và thấu hiểu tác nhân kích động. Một số câu hỏi bạn có thể hỏi bản thân bao gồm:

  • Khi nào trong cuộc đời tôi, tôi đã từng trải qua cảm giác tương tự như lúc này?
  • Những cảm giác này gợi cho tôi điều gì?
  • Những suy nghĩ đi kèm với những cảm xúc này là gì?
  • Có những lúc nào khác tôi cũng có những suy nghĩ này?

Hãy cho phép kí ức ùa về với bạn. Nhớ nhân vật chính của chúng ta chứ? Có lẽ tác nhân kích động của họ có liên quan đến thời điểm người bạn thân nhất của họ quyết định không đứng cùng sân chơi với họ nữa mà muốn chuyển sang chơi bóng rổ. Ký ức đó có thể không nằm trên bể nổi trong tâm trí của nhân vật. Nhưng bằng cách tạo ra không gian để thừa nhận trải nghiệm cảm xúc/thể chất hiện tại và nhận ra những điểm tương đồng, giờ đây nhân vật của chúng ta đã có thể đối mặt với những gì xảy ra trong quá khứ và làm điều gì đó để chữa lành.

Trong bước này, điều rất quan trọng là thừa nhận và công nhận bất kỳ phiên bản trẻ hơn nào của bạn. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách nói những lời như:

  • Rõ ràng là tôi đã từng cảm thấy như thế!
  • Hoàn toàn có thể hiểu được khi tôi đã cảm thấy ______________ và nghĩ rằng _________________.
  • Không có gì ngạc nhiên khi bây giờ tôi bị kích động – tôi nhận thấy những điểm tương đồng mà!

Bước 4: Xem xét những ranh giới đã bị vượt qua

Tất cả chúng ta đều có ranh giới . Chúng ta cần chúng. Ranh giới là những giới hạn và quy tắc chúng ta xây dựng cho chính mình. Chúng đến từ các giá trị, niềm tin và sở thích của chúng ta về cách chúng ta muốn được đối xử. Nếu bạn không chắc chắn về các ranh giới trong cuộc sống của mình, điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về lý do hoặc cách bạn bị kích động. Một cách để hiểu về ranh giới của bạn là khám phá các giá trị cốt lõi của bạn.

Các ranh giới có thể bị phá vỡ khi chúng bị thách thức, vượt qua hoặc không được tôn trọng. Hãy tưởng tượng ranh giới cá nhân giống như một bức tường vô hình. Khi một bức tường bị coi thường hoặc xâm phạm trong quá khứ, một lỗ hổng đã được tạo ra. Khi còn trẻ, chúng ta có thể chưa có công cụ để khắc phục những lỗ hổng nào trong ranh giới của mình. Thay vì sửa chữa lỗ hổng, chúng ta cài đặt vào đó một hệ thống báo động. Hệ thống báo động cho chúng ta biết khi có người mới đến quá gần hoặc cố gắng vượt qua cái lỗ. Hệ thống báo động — hay còn gọi là tác nhân kích động của chúng ta — cố gắng giữ an toàn cho chúng tôi. Mặc dù vậy, lỗ hổng vẫn còn đó. Bạn muốn sống tiếp mà không sửa cái lỗ đó đến bao giờ? Và bạn muốn hệ thống báo động đó phải rung chuông nhiều đến mức nào nữa?

Nếu bạn có thể nhìn thấy cái lỗ và bắt tay vào hàn gắn nó, có lẽ bạn sẽ không cần hệ thống báo động nữa. Nói cách khác, khi bạn có thể xác định vị trí của cái lỗ và hiểu được điều gì khiến nó trở nên thế này, bạn có thể tắt hệ thống báo động và sửa chữa nó.

Bước 5: Chú ý về những sự thay đổi bên trong

Khi đã hiểu một điều rằng “hiện tại” không đồng nghĩa với “tương lai” hay “quá khứ”, ta có thể bắt đầu nghĩ xem mình muốn xử lí tình huống này như thế nào. Hãy chú ý đến sự thay đổi xảy ra khi những trải nghiệm quá khứ chưa được chữa lành thông báo rõ ràng cho ta về một trải nghiệm sắp sửa đến trong hiện tại. Quá khứ là thứ giúp ta tạo ra những diễn giải và câu chuyện về những khoảnh khắc kích động. Nhưng sự hiểu biết sâu sắc hơn về quá khứ cũng có thể giúp chúng ta hiểu hơn về sự khác biệt trong hiện tại.

Để nhận thấy sự thay đổi này, bạn có thể thử những điều sau:

  • Viết ra những quan sát và nhận thức của bạn trong một quyển nhật ký.
  • Kể cho ai đó về trải nghiệm của bạn.
  • Vẽ/tô màu về nó.
  • Nói chuyện với người đã kích động bạn (đặc biệt tốt nếu đây không phải là điều bạn thường làm).
  • Đừng đề cập đến nó với người đã kích động bạn (đặc biệt tốt nếu đây không phải là điều bạn thường làm).

Giả sử sau khi trải qua cả năm bước được đề xuất ở trên, nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta quyết định suy ngẫm về những gì anh ta biết về người bạn đó. Nhân vật chính nhớ rằng người bạn đó đã nói thú cưng của họ có một số dấu hiệu bất thường. Khả năng việc thay đổi kế hoạch vào phút chót và sự việc đó có liên quan đến nhau là bao nhiêu?

Và cuối cùng, có thể nhân vật của chúng ta sẽ đưa ra quyết định rằng việc người bạn kia không thể đi chơi thì không phải vấn đề của anh ta. Họ  sẽ gặp nhau khi thời điểm thích hợp. Ý nghĩa của bước thứ 5 là giúp tâm trí/cơ thể/tinh thần nhận diện những hành động đã được thực hiện để sửa chữa lỗ hổng trong ranh giới cá nhân.

Lời kết

Có những lúc người ta cố tình bật công tắc vì họ hiểu bạn và muốn khiến bạn cảm thấy khó khăn. Trong trường hợp này, việc phản kích và tấn công ngược lại là một phản ứng dễ hiểu và chính đáng. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là, “Tôi thực sự muốn đạt được điều gì sau khi phản ứng như vậy?”

Có thể bạn muốn người đó nhận thức được sai lầm của họ khi đã cố tình kích động bạn. Trong trường hợp này, hãy tự hỏi bản thân, “Việc công kích ngược lại họ sẽ giúp họ nhận ra họ sai như thế nào?” Rất có thể, họ không nhận ra đâu. Và bạn sẽ lãng phí rất nhiều năng lượng, thậm chí còn khiến lỗ hổng trong ranh giới của bạn lớn hơn trước!

Việc phản ứng lại những người cố tình kích động bạn sẽ chỉ mang lại cho họ sức mạnh mà họ đang khao khát. Thay vào đó, nếu bạn có thể hiện diện với chính mình trong những khoảnh khắc kích động đó và sử dụng bài tập mà tôi đã chia sẻ, bạn sẽ ngạc nhiên về việc củng cố ranh giới cá nhân của bạn có thể mang lại hiệu quả như thế nào cho bạn.

Trong trường hợp ai đó cố tình kích động bạn, câu hỏi của bạn sẽ là, “Tại sao tôi lại muốn giữ mối quan hệ với một người hành xử như vậy?” 

Nguồn: https://www.lifehack.org/909710/emotional-trigger

————–
(***) Bản quyền bài dịch thuộc về Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả (nếu có) và nguồn là “Nguồn: Tham vấn trị liệu Tâm lý MindCare”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

——
Hãy liên hệ với chúng tôi bất cứ khi nào bạn cần được hỗ trợ:
☎️ 0828.77.22.33 (Dịch vụ Tham vấn Trị liệu, Đánh giá Tâm Lý) / 0877.16.33.66 (Dịch vụ Hướng nghiệp, Tâm Lý cho Doanh nghiệp & Học đường)
📧 tamlymindcare@gmail.com
📲 https://mindcare.vn/

Đọc thêm:

>>> Làm thế nào để gỡ bỏ sự tổn thương trong quá khứ? 

>>> Thư giãn tâm trí khi làm việc quá sức: 8 chiến lược hiệu quả để đối phó với stress và burnout

>>> 4 cách thực hành lòng tự trắc ẩn: Bài học đầu tiên để yêu chính mình